Tỷ giá bình thản đón tin FED
Điều hành tỷ giá ngày càng linh hoạt | |
Chính sách tỷ giá: Tự tin với những bước đi táo bạo | |
Tạo niềm tin về chính sách tỷ giá |
Đúng như dự báo, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày (12,13/12), rạng sáng ngày 14/12 theo giờ Việt Nam, FED đã quyết định tăng thêm 0,25% lãi suất cơ bản từ mức 1,25% lên mức 1,5%. “Những diễn biến mới nhất cho thấy thị trường lao động vẫn tăng trưởng tốt, tỷ lệ tạo việc làm mới ổn định, người lao động có nhiều cơ hội việc làm và mức lương cải thiện”, Chủ tịch Fed bà Janet Yellen lý giải quyết định nâng lãi suất của cơ quan này. Đây là lần thứ ba FED tăng lãi suất trong năm nay.
Ngoài ra, Fed cũng thông báo sẽ thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán mỗi tháng 20 tỷ USD bắt đầu từ tháng 1/2018 từ mức 10 tỷ USD/tháng hiện tại. Sau quyết định tăng lãi suất của FED, đồng USD không những không hồi phục mà còn tiếp tục giảm với cấp độ mạnh hơn. Chỉ số Dollar – index giảm 0,7% xuống còn 93,437 điểm.
NHNN sẽ cân bằng được cung cầu thị trường và tỷ giá tiếp tục duy trì ổn định |
Chính vì sự sụt giảm mạnh của đồng USD, nên trong phiên sáng 14/12, NHNN điều chỉnh giảm mạnh tỷ giá trung tâm. Cụ thể, sáng 14/12 NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 22.443 đồng/USD giảm 7 đồng so với ngày 13/12. Trên thị trường ngoại tệ, giá USD giao dịch tại các NHTM khá ổn định, không có sự thay đổi lớn. Trong khối NHTM lớn, ngoài Vietcombank tăng nhẹ 5 đồng cả hai chiều mua vào bán ra lên mức 22.680 – 22.750 đồng/USD thì BIDV và VietinBank vẫn giữ biểu giá USD như hôm trước giao dịch ở mức tương ứng…
Như vậy, trái với những lo ngại tỷ giá có những điều chỉnh tăng sau động thái FED tăng lãi suất, thị trường lại khá thờ ơ. Ngoài sự sụt giảm của đồng USD, theo TS. Bùi Quang Tín, một nguyên nhân chính mà tỷ giá của Việt Nam không có thay đổi lớn sau quyết định nâng lãi suất của FED là NHNN đã có sự chuẩn bị từ trước. Sự chuẩn bị này thể hiện thông qua dự trữ ngoại hối được tăng cường. Đặc biệt là thanh khoản USD tốt đáp ứng đủ nhu cầu USD của thị trường cho thấy NHNN chủ động ứng phó với thay đổi chính sách lãi suất của FED.
Giả sử giá USD có tăng sau khi FED tăng lãi suất thì theo một chuyên gia, tỷ giá của Việt Nam sẽ không có thay đổi lớn mà chỉ nhúc nhích nhẹ. Việc FED tăng lãi suất không bất ngờ và đã được nhà điều hành chủ động đón chờ từ mấy tháng nay nên thị trường không có sóng. Điều này thấy rõ, trong suốt tuần trước (4-8/12), ngoài phiên đầu tuần, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng dần trong các phiên còn lại cho thấy nhà điều hành đã lường đón trước động thái tăng lãi suất của FED tránh những điều chỉnh giá mạnh…
Ngoài sự chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách trong suốt thời gian qua, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu tỷ giá cũng được hỗ trợ từ nguồn cung ngoại tệ khá tốt từ giải ngân vốn FDI tăng, các nguồn khác như ODA, kiều hối tiếp tục ổn định, cán cân thương mại thặng dư… “Nói chung thời điểm này đang thuận lợi cho chính sách tỷ giá của NHNN”, vị chuyên gia này kết luận.
Cùng với đó, NHNN đã đưa ra dự thảo sửa đổi Thông tư số 24/2015/TT-NHNN ngày 8/12/2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú theo hướng gia hạn hoạt động cho vay ngoại tệ với đề xuất nới thời hạn cho vay ngắn hạn ngoại tệ để thanh toán trong nước tới hết năm 2018. Quy định này cũng làm giảm áp lực cho thị trường vào thời điểm cuối năm. “Điều đó cho thấy NHNN ngày càng chủ động, linh hoạt điều chỉnh chính sách để dẫn dắt thị trường, tránh cho tỷ giá trên thị trường có những biến động lớn, đột ngột”, TS. Võ Trí Thành đánh giá và cho rằng, thời điểm này, NHNN có thể cho phép DN xuất nhập khẩu tiếp tục được vay ngoại tệ mà không ảnh hưởng lớn đến thị trường. Vì NHNN làm khá tuần tự, chủ động đưa ra lấy ý kiến, tăng minh bạch chính sách đối với thị trường.
Cũng có ý kiến cho rằng nếu NHNN tiếp tục cho phép một số đối tượng DN được vay ngoại tệ thì chính là sự nhân nhượng đối với thị trường, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến lộ trình chống đô la hoá. Song, TS. Cấn Văn Lực có quan điểm khác. Theo TS Lực, tuy Việt Nam đang trong lộ trình chống đô la hoá nhưng chúng ta không thể thực hiện bằng mọi giá mà phải làm dần dần, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập lớn như vậy, cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nhất là DN xuất nhập khẩu tiếp cận được nguồn vốn chi phí thấp hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Dẫn chứng nhận định quyết định gia hạn cho vay ngoại tệ sẽ không dẫn đến bất kỳ rủi ro lớn nào, HSC cho rằng, hệ số dư nợ trên huy động vốn (LDR) ngoại tệ được kiểm soát khá tốt, ở mức 96,31% vào tháng 9/2017. Trong khi đó tỷ trọng các khoản vay bằng USD tính đến cuối tháng 9/2017 là 8,9%, tương đương 24,1 tỷ USD. Tỷ trọng này vào cuối năm 2016 là 8,7% và cuối năm 2012 - thời điểm thông tư về thời hạn ngừng cho vay ngoại tệ bắt đầu áp dụng là 19,6%.
Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành cũng lưu ý tuy đây là cách làm “khôn khéo” nhất trong thời điểm này nhưng cũng phải thu hẹp đối tượng đồng thời giám sát để hạn chế việc lợi dụng chính sách chênh lệch lãi suất cho vay giữa VND và USD. Trước mắt, theo các chuyên gia, đối với chính sách tỷ giá, NHNN tiếp tục điều hành công cụ chính sách từ đầu năm đến nay đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Tuy áp lực tỷ giá từ nay đến cuối năm và đến cận tết theo nhận định chung có tăng lên một ít do cầu ngoại tệ trả nợ, nhập khẩu hàng hoá… tăng mạnh hơn, nhưng với sự chuẩn bị tốt hơn, nguồn ngoại tệ dồi dào, NHNN sẽ cân bằng được cung cầu thị trường, và tỷ giá tiếp tục duy trì ổn định.