Tỷ giá và thực tiễn điều hành
Thị trường ngoại hối luôn chịu ảnh hưởng của cả yếu tố bên trong và bên ngoài. Do đó, chủ trương của cơ quan quản lý trong điều hành tỷ giá là chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với cung - cầu ngoại tệ và diễn biến kinh tế vĩ mô...
Điều hành tỷ giá chịu tác động của nhiều yếu tố |
Có thể đơn giản hóa một vấn đề phức tạp?
Tại một hội thảo gần đây của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong chia sẻ nghiên cứu về chính sách ngoại hối của Việt Nam, PGS-TS. Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho rằng, mặc dù từ đầu năm 2016 đến nay, NHNN đã thực hiện cơ chế điều hành tỷ giá mới (theo đó tỷ giá trung tâm USD/VND sẽ được công bố hàng ngày dựa trên diễn biến của rổ ngoại tệ có quan hệ kinh tế lớn với Việt Nam) và đã phản ánh được phần nào cung - cầu của thị trường, nhưng về cơ bản vẫn xoay quanh chế độ neo tỷ giá. Trong đó, đồng USD gần như được mặc định là đồng tiền neo tỷ giá (tỷ giá hối đoái sử dụng trong bài này là giá của một đồng ngoại tệ theo đồng nội tệ, nên tỷ giá tăng nghĩa là đồng nội tệ mất giá, đồng ngoại tệ lên giá và ngược lại).
Theo chuyên gia này, việc neo tỷ giá cố định ở một số thời điểm đã giúp ổn định được thị trường ngoại hối, làm giảm hiện tượng đầu cơ và đô-la hóa, hạn chế rủi ro thanh khoản đối với nợ nước ngoài và đặc biệt là neo tỷ giá được kỳ vọng lạm phát và hạn chế được hiện tượng nhập khẩu lạm phát. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cơ chế tỷ giá này lại khiến VND lên giá thực mạnh, làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam trong hoạt động thương mại quốc tế. “Do vậy, việc tìm kiếm một cơ chế tỷ giá có khả năng dung hòa giữa ưu và nhược điểm của cơ chế tỷ giá hiện nay là một bài toán khó, nhưng cần có lời giải hơn bao giờ hết cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam”, PGS-TS. Phạm Thế Anh nêu quan điểm.
Với những phân tích của mình, PGS-TS. Phạm Thế Anh cho rằng, cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý (managed floating) có thể là sự lựa chọn tốt nhất đối với Việt Nam. Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, tỷ giá là vấn đề rất phức tạp nên để đánh giá cơ chế tỷ giá cần có cái nhìn toàn diện và phải tính được tỷ giá cân bằng, bao gồm cân bằng bên trong (tỷ giá phải đảm bảo hỗ trợ tăng năng suất lao động, chênh lệch GDP so với GDP tiềm năng, chi tiêu của Chính phủ...) và cân bằng bên ngoài (tài sản ngoại tệ ròng, nợ nước ngoài, cán cân vãng lai...). Do đó, việc đánh giá tỷ giá chỉ dựa trên cơ sở định tính về cán cân thương mại hay tỷ giá hữu hiệu thực (REER) là chưa đầy đủ và đang đơn giản hóa một vấn đề rất phức tạp. Ví dụ, trong thời kỳ 2012-2017, nghiên cứu trên cho rằng tỷ giá được định giá cao thì thực tế Việt Nam lại thặng dư thương mại.
Hơn nữa, thực tế từ năm 2016 đến nay, NHNN hoàn toàn không thực hiện neo tỷ giá vào đồng USD. Bởi rổ tiền tệ để tính tỷ giá gồm 8 ngoại tệ và vào 5h mỗi sáng hàng ngày, nhân viên Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN sẽ phải tính toán tất cả các biến động của 8 ngoại tệ đó trên thị trường thế giới, đồng thời tính toán về chỉ số bình quân thị trường liên NH của ngày hôm trước và các yếu tố KTVM khác để từ đó cân đối đưa ra tỷ giá bình quân công bố vào 8h sáng hàng ngày. Như vậy tỷ giá trung tâm thay đổi trên cơ sở biến động của 8 ngoại tệ bên ngoài nhưng đồng thời phải đảm bảo cân đối được với cung - cầu bên trong. Giả sử cung quá thấp mà cầu lớn thì sẽ khiến tỷ giá tăng lên, TS. Nguyễn Tú Anh phân tích.
Không dễ để tìm được điểm cân bằng
Để đánh giá về mức độ sai lệch tỷ giá cân bằng ở Việt Nam, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện áp dụng phương pháp hiện đại là Đánh giá Cân bằng Bên ngoài (External Balance Assessment - EBA) dựa trên các cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, với mỗi cách tiếp cận lại cho ra những kết quả rất khác nhau.
Cụ thể năm 2016, cách tiếp cận tài khoản vãng lai cho thấy tỷ giá của Việt Nam đang bị định giá thấp vào mức 11,5%. Tuy nhiên, cách tiếp cận tỷ giá cân bằng lại cho thấy tỷ giá đang bị định giá cao vào mức 23%. Hai phương pháp trên độ tương hợp rất thấp và trước những kết quả mâu thuẫn như vậy, IMF đưa ra phương pháp tiếp cận thứ ba là “Đánh giá của cán bộ IMF” thì cho ra kết quả tỷ giá bị định giá thấp vào 0,3%. Cho rằng cách thứ ba này có vẻ đáng tin cậy hơn nhưng IMF cũng đưa kết luận rằng, không có bằng chứng rõ ràng về sai lệch tỷ giá đối với Việt Nam.
Năm 2017, IMF tiếp tục áp dụng phương pháp EBA này và theo công bố vào tháng 6 vừa qua, cách tiếp cận tài khoản vãng lai cho thấy tỷ giá bị định giá thấp vào mức 12,4%; cách tiếp cận tỷ giá cân bằng bị định giá cao vào mức 32,2% trong khi “Đánh giá của cán bộ IMF” thì tỷ giá bị định giá thấp vào mức 10,3%.
Điều đó cho thấy, độ tương hợp các phương pháp này đối với tỷ giá ở Việt Nam là thấp. Chính vì vậy IMF kết luận là không có bằng chứng đồng VND bị định giá sai lệch. Như vậy thì liệu có phương pháp nào để có thể đánh giá được sát đúng nhất tỷ giá cân bằng ở Việt Nam sẽ là vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu trong thời gian tới.
Có lẽ, lý tưởng nhất cho câu chuyện tỷ giá là một thị trường ngoại hối được thả nổi hoàn toàn. Tuy nhiên, điều ấy chỉ có thể có được ở những nền kinh tế đã rất phát triển và thị trường tài chính tiền tệ đã vận hành ở mức hoàn hảo. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, cơ chế tỷ giá thả nổi hiện không được nhiều nước áp dụng và trong số các nước tuyên bố thả nổi, thực tế chỉ có khoảng 20% là thực sự thả nổi. Trong khi đó ở các nước đang phát triển với kinh nghiệm can thiệp vào thị trường ngoại hối còn thấp, việc thả nổi tỷ giá tất yếu dẫn đến tăng nguy cơ bị tấn công tiền tệ và nền kinh tế sẽ rất dễ bị tổn thương. Khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1997 vẫn là bài học còn nguyên giá trị. Và ngay cả ở cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý như được đề xuất ở trên (theo đó NHNN sẽ không công bố trước tỷ giá trung tâm), PGS-TS. Phạm Thế Anh cũng thừa nhận để có thể thực sự phát huy tác dụng, thì Việt Nam cần phải chuẩn bị thêm một số điều kiện nhất định.
Đơn cử, khi tỷ giá không còn đóng vai trò là “mỏ neo” kỳ vọng của khu vực tư nhân trong trường hợp cần chống lạm phát thì NHNN cần phải tìm một “mỏ neo” khác để thực thi chính sách tiền tệ mà ở đây là kiểm soát lạm phát theo mục tiêu định trước. Tuy nhiên, việc theo đuổi chính sách kiểm soát lạm phát mục tiêu lại đòi hỏi NHTW phải độc lập, tức là phải hoạt động dựa trên các nguyên tắc công khai, không bị tác động bởi các chính sách tài khóa và các tổ chức kinh tế, tài chính trên thị trường.
Hơn nữa, các nghiên cứu lý thuyết cũng như thực nghiệm ở các nước trên thế giới và Việt Nam chỉ ra rằng, để kiểm soát tốt lạm phát lạm thì NHTW cần phải kiểm soát tốt cung tiền, mà nền tảng để làm được điều này phải là một hệ thống tài khóa lành mạnh - điều mà chúng ta luôn kỳ vọng nhưng sẽ phải nỗ lực hành động cải cách rất nhiều trong những năm tới.