Tỷ giá vững vàng trong bão
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 7/8 | |
Tỷ giá ngày 7/8: Quay đầu giảm mạnh |
Ảnh minh họa |
Đồng nhân dân tệ đang trên đà rớt giá rất mạnh. Sau khi chính thức xuyên thủng ngưỡng tâm lý 7 nhân dân tệ/USD lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ trong phiên giao dịch đầu tuần (5/8), đồng nội tệ của Trung Quốc vẫn không ngừng giảm và liên tục tạo đáy mới trong các phiên ngày 6-7/8. Do Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nên việc đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh chắc chắn cũng sẽ có tác động không nhỏ đến nền kinh tế trong nước.
Còn nhớ trước đó, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng phát đã dấy lên nỗi lo hàng hóa của Trung Quốc do khó vào thị trường Mỹ sẽ đổ bộ vào các thị trường lân cận, trong đó có Việt Nam, từ đó gây khó cho hoạt động sản xuất trong nước. Nay nỗi lo càng thêm lớn khi mà hàng Trung Quốc có thể trở nên cạnh tranh hơn nhờ đồng tiền yếu khiến các doanh nghiệp trong nước có nguy cơ thua ngay trên sân nhà, cũng như khiến tình trạng nhập siêu với Trung Quốc thêm trầm trọng.
Cũng xuất phát từ nỗi lo này nên đã xuất hiện khá nhiều ý kiến đề nghị giảm giá VND tương ứng để hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu trong nước. Thế nhưng, dường như những đề xuất này có phần hơi nóng vội.
Đúng là đồng nhân dân tệ đang suy giảm, song theo các chuyên gia ngoại hối quốc tế, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng không dám mạo hiểm để đồng nội tệ của mình giảm quá nhanh và mạnh do lo ngại sẽ kích hoạt dòng vốn bốc hơi khỏi nước này như thời điểm năm 2015, từ đó gây ra nhiều bất ổn cho nền kinh tế.
Trong khi NHTW Trung Quốc cũng vừa tái khẳng định “đã không và sẽ không sử dụng tỷ giá hối đoái như một công cụ để giải quyết các tranh chấp thương mại”. Trước đó 3 tuần, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng, giá trị nhân dân tệ phù hợp với các nguyên tắc kinh tế của Trung Quốc, trong khi đồng đôla Mỹ được định giá cao từ 6% đến 12%.
Thứ nữa, đồng USD - một trong những đồng tiền chủ chốt trong giỏ các đồng tiền tính tỷ giá trung tâm của NHNN - lại đang có xu hướng suy yếu trong bối cảnh các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào các tài sản an toàn như yên Nhật do lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Hiện chỉ số đồng USD đang xoay quanh mức 97,5 điểm, thấp hơn 1 điểm (-1%) so với mức đỉnh 2 năm là 98,52 điểm thiết lập hồi cuối tháng 7. Việc USD và nhân dân tệ suy yếu đang có những tác động ngược chiều đến tỷ giá trong nước.
Đó là chưa kể, nếu giảm giá VND như một số ý kiến đề xuất cũng chưa chắc đã giúp cải thiện được tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc khi mà hiện có khá nhiều ngành sản xuất trong nước đang phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên phụ liệu từ nước này như dệt may hay da giày. Thậm chí xét ở một góc độ nào đó, việc nhân dân tệ giảm giá lại có lợi đối với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này.
Vì lẽ đó giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay, theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV chính là tiếp tục theo dõi, đồng thờikiên định chính sách điều hành tiền tệ, tỷ giá linh hoạt, không nên cuốn vào dòng xoáy của chiến tranh tiền tệ.
Trên thực tế, NHNN vẫn đang cho thấy tiếp tục kiên định với mục tiêu chính sách tiền tệ, tỷ giá đã đề ra. Theo đó tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều hành linh hoạt, có tăng có giảm, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ với mục tiêu cao nhất là ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo thanh khoản, giao dịch ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Ngày 7/8/2019, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 23.117 đồng/USD, tức mới tăng 1,28% so với cuối năm 2018, vẫn năm trong mục tiêu điều hành của cơ quan quản lý. Trong khi đó, tỷ giá tại các ngân hàng thậm chí còn quay đầu giảm trở lại kể từ chiều ngày 6/8. Hiện giá mua vào USD của các ngân hàng đã giảm về quanh 23.150 – 23.170 đồng/USD, trong khi giá mua vào cũng giảm về quanh 23.270 – 23.280 đồng/USD, thấp hơn khoảng 70 đồng mỗi chiều so với ngày trước đó. Đặc biệt, nếu so với thời điểm cuối năm 2018, giá mua vào USD của các nhà băng mới chỉ tăng khoảng 10 đồng, trong khi giá bán ra tăng khoảng 30 đồng.
Đó là một minh chứng rõ nét cho thấy VND là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực và cả trên thế giới. Không khó để thấy cơ sở cho sự ổn định này chính là những điều kiện thuận lợi như tăng trưởng ở mức cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp; nguồn cung ngoại tệ dồi dào nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chảy mạnh vào Việt Nam qua cả kênh trực tiếp và gián tiếp...
Thế nhưng để có được những yếu tố thuận lợi đó, không thể không nói tới sự điều hành vô cùng chủ động, linh hoạt của NHNN về chính sách tiền tệ, tỷ giá đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, từ đó củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định của thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước.
Chính là những cơ sở quan trọng này khiến nhiều tổ chức tin tưởng NHNN vẫn còn khá nhiều “dư địa” để điều hành trước tỷ giá và dù có thể chịu sức ép giảm giá theo nhân dân tệ nhưng NHNN sẽ có các giải pháp điều hành, không để VND giảm giá quá sâu.