Ứng dụng công nghệ để đối phó với thiên tai
Ứng phó với biến đổi khí hậu: Cơ hội cho người nghèo | |
Muốn phát triển bền vững, phải thích ứng tốt | |
Khu vực miền Trung cần hợp tác phát triển và phòng chống thiên tai |
Cơ hội gắn kết
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng các công nghệ mới để đối phó với thiên tai; Xây dựng văn hoá ứng xử rủi ro thiên tai cho doanh nghiệp; Xây dựng những chính sách hữu hiệu đẩy mạnh hợp tác công – tư… Là những kiến nghị, giải pháp được các nhà quản lý, doanh nghiệp đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai lần thứ 11 (SDMOF 11) vừa được tổ chức tại Nghệ An.
SDMOF 11 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN &PTNT) chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia APEC 2017 và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức. Hội nghị với sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC, các tổ chức quốc tế, khối doanh nghiệp và quan chức cao cấp của các bộ, ngành, địa phương Việt Nam xoay quanh chủ đề “Tăng cường hợp tác và đổi mới công nghệ tiên tiến nhằm hỗ trợ hiệu quả công tác ứng phó khẩn cấp liên vùng đối với hiện tượng thiên tai bình thường mới”. Trong 2 ngày (21 và 22/9), SDMOF 11 đã ghi nhận 20 báo cáo tham luận đến từ đại diện các nền kinh tế chia sẻ về kinh nghiệm, đề xuất ứng phó với thiên tai.
Nghệ An triển khai trồng rừng ngập mặn ứng phó với thiên tai |
Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam khẳng định, SDMOF 11 là cơ hội để Việt Nam tăng cường các mối quan hệ hợp tác, đổi mới công nghệ tiên tiến hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai. Cũng theo ông Hoàng Văn Thắng thì trong công cuộc ứng phó với thiên tai ở cấp độ toàn cầu, nền kinh tế nào cũng gặp thách thức, vì thế việc hợp tác trong lĩnh vực này đều được coi là một trong những trách nhiệm cần chia sẻ hơn nữa. Và, SDMOF 11 cũng là dịp để gắn kết hơn nữa các nền kinh tế thành viên APEC trong công tác quản lý thiên tai.
Tại SDMOF 11, các đại biểu đều cho rằng, khi các nền kinh tế càng phát triển thì việc nảy sinh rủi ro do thiên tai gây ra sẽ càng lớn. Ngay tại các nước thuộc châu Á – Thái Bình Dương được cho là khu vực có nền kinh tế phát triển năng động hiện nay cũng phải thường xuyên hứng chịu hậu quả từ thiên tai gây ra. Đặc biệt, đối với những nước có sự phát triển thiếu đồng bộ về hạ tầng, công nghệ lạc hậu thì việc ứng phó với thiên tại rất yếu. Chưa kể, nhiều quốc gia hiện nay, trong đó có Việt Nam thì công tác ứng phó với rủi ro do thiên tai gây ra thiếu đồng bộ đã khiến cho kinh tế bị thiệt hại rất nặng nề. SDMOF 11 cho rằng, việc ứng phó với thiên tai cần phải có chiến lược lâu dài và lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, ngành, địa phương.
Ngài Philip Gibson - đại diện nền kinh tế New Zealand cho rằng, để ứng phó với thiên tai thì doanh nghiệp đóng vai trò lớn trong việc cải tiến và đưa công nghệ khoa học, cũng như cung cấp thông tin một cách nhanh chóng để ứng phó kịp thời. Mặt khác, trong bối cảnh thảm hoạ thiên nhiên ngày càng gay gắt, không chỉ tác động trực tiếp đến nỗ lực phát triển bền vững, mà còn làm xáo trộn, gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cả một quốc gia. Chính vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần phải tăng cường hợp tác giữa Nhà nước, khu vực tư nhân cũng như các bên liên quan nhằm nâng cao năng lực ứng phó cho doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết.
Tăng cường hợp tác, đổi mới công nghệ
Trong những năm qua, để góp phần giảm thiểu thiên tai do biến đổi khí hậu, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) cũng hỗ trợ trong quản lý lũ tại miền Trung và biến đổi khí hậu khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Sông Hồng… Thời gian tới, khu vực lưu sông Hương thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng sẽ được tổ chức JICA Nhật Bản hỗ trợ một dự án quản lý theo đúng trình độ hiện nay của thế giới để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đối với tỉnh Nghệ An, Chính phủ New Zealand đã giúp địa phương thông qua dự án quản lý lũ, hạ tầng đập tại khu vực lưu vực sông Cả hiện nay.
“Việc tác động của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Thế nhưng, nhìn chung thì việc ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đối với vấn đề này còn rất yếu, hầu hết phải tự xoay xở để vượt qua. Ở một phương diện khác, việc nắm bắt thông tin, sự hỗ trợ của các bên liên quan đối với doanh nghiệp hiện nay còn thiếu đồng bộ. Chính vì vậy, xu hướng hợp tác công – tư trong quản lý, cảnh báo, ứng phó với thiên tai cần có chính sách cởi mở, hiệu quả hơn nữa”, ông Nguyễn Tâm Tiến – Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam Group cho biết.
Thông qua SDMOF 11, đại diện các nền kinh tế APEC, các tổ chức quốc tế, tập đoàn kinh tế đã thống nhất đưa ra các giải pháp để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới như: Tập trung giải quyết vấn đề sạt lở dải ven bờ, sạt lở đất và lũ quét, bão mạnh và siêu bão, sóng thần; Nhà nước cần xây dựng văn hoá ứng xử với rủi ro thiên tai cho các doanh nghiệp Việt Nam; Nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong quản lý rủi ro thiên tai; Tăng khả năng chống chịu thiên tai bằng đầu tư cơ sở hạ tầng; Xây dựng những chính sách hữu hiệu đẩy mạnh hợp tác công - tư.
Trao đổi với báo chí bên lề SDMOF 11, bà Mizuho Okimoto-Kaewtathip – Trưởng chương trình chính sách xã hội và quản trị UNICEF Việt Nam cho rằng, chúng ta cần lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai trong chương trình, chính sách từ dịch vụ giáo dục, y tế, dinh dưỡng và vệ sinh môi trường, cải thiện an toàn trường học và thực hiện hệ thống phổ cập bảo trợ xã hội. Cùng với đó, để nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, ngoài việc tăng cường hợp tác, đầu tư của toàn xã hội thì chúng ta cần thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mới vào vấn đề này.