Ứng dụng công nghệ tài chính: Thách thức và cơ hội
VietinBank kết nối khách hàng toàn cầu trên nền tảng số hóa | |
Hợp tác giữa ngân hàng và fintech: Tiện ích nhân đôi! | |
Thanh toán di động đến thời bùng nổ? |
Trong tháng 3, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đón nhận thông tin về sự thâm nhập của Amazon – tên tuổi đình đám trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến toàn cầu – với tâm trạng khá háo hức. Dù chưa biết “ông trùm” này tham gia thị trường như thế nào, nhưng đây cũng là điểm nhấn để các ngân hàng đẩy mạnh hơn nữa dịch vụ bán lẻ nhằm chạy đua trong cuộc chơi công nghệ này.
Nhiều dịch vụ tài chính truyền thống đã bị thay thế bằng công nghệ |
Trẻ hóa tài chính
Trong bài phân tích mới đây của mình, ông Phạm Thái Bình, Trưởng bộ phận Bán lẻ Savills TP.HCM chia sẻ rằng, mua sắm truyền thống hiện nay dường như đang bị chi phối bởi kênh TMĐT, đa phần nhờ vào sự phát triển của internet và những công nghệ phụ trợ hiện đại. Khi người tiêu dùng không còn xa lạ với thiết bị điện tử thì các dịch vụ phát triển từ nền tảng công nghệ số dần dà tạo nên ưu thế, điển hình nhất chính là mang đến sự tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng.
Bên cạnh những trang mua sắm đang thể hiện rõ tính chuyên nghiệp như Lazada, Thegioididong, Sendo, Shopee, Tiki… khi được đầu tư bài bản, đâu đó vẫn còn tồn tại các loại hình mua sắm qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo… Việc “nhà nhà bán hàng, người người bán hàng” này có quy mô dù nhỏ lẻ nhưng số lượng lại vô cùng lớn, quan trọng hơn, chi phí của hoạt động này không đáng kể và những chính sách thuế vẫn chưa tác động đến đối tượng này.
Hiện nay, theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, ngành TMĐT Việt Nam đang có mức tăng trưởng vào khoảng 25% và có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 – 2020. Trong 4 năm tới, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD. Bên cạnh doanh nghiệp, các quỹ đầu tư và tập đoàn nước ngoài cũng tích cực mua cổ phần, bỏ tiền đầu tư cho các sàn và các trang web TMĐT trong nước, khiến cho thị trường này ngày càng sôi động.
Có thể nói rằng TMĐT đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Đồng thời, với sự thay đổi của xã hội và nhịp sống hiện đại, thời gian dành cho việc ra ngoài mua sắm sẽ hạn chế rất nhiều, và TMĐT chính là lựa chọn phù hợp. Thế nên, trong bối cảnh người người muốn ngồi một chỗ để mua sắm thì việc thanh toán qua thẻ thanh toán cũng được sử dụng nhiều hơn. Đây là cơ hội để các ngân hàng tính đến chiến lược phí sao cho tốt nhất để thu hút người tiêu dùng trẻ.
Ai dám không theo cuộc chơi?
Nhìn chung, đã có sự thay đổi đáng kể trong việc chạy đua công nghệ để số hóa dịch vụ tài chính. Tính đến thời điểm này, các ngân hàng dù nhỏ cũng cho biết đang đầu tư hàng triệu USD để cải thiện công nghệ chứ không dám đứng ngoài cuộc chơi.
Bởi tính đi tính lại, trong thời đại của điện thoại thông minh, khách hàng đã bắt đầu quen với việc sử dụng ứng dụng trên điện thoại Mobile Banking, vì điều này giúp khách hàng tương tác với ngân hàng nhanh chóng và tiện lợi hơn trong việc theo dõi khoản vay, cũng như thực hiện thanh toán các loại hóa đơn, chuyển tiền trong và ngoài hệ thống ngân hàng... Điều này cũng chứng minh là khách hàng đã bắt đầu từ chối một số sản phẩm truyền thống như tự đóng tiền điện, nước, mua thẻ cào…
Như vậy, vì sự “sống còn” mà các ngân hàng phải đầu tư nhanh các ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính để tận dụng được lượng khách hàng đang bị “nghiện” internet và smartphone.
Thừa nhận điều này, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, theo số liệu tài chính của năm 2017, số lượng khách hàng trẻ dưới 40 tuổi sử dụng dịch vụ ngân hàng tăng lên đáng kể. Ngược lại, những khách hàng trên 40 tuổi chỉ tăng 16%. Cũng theo ông Văn, không chỉ đón đầu cơ hội với khách hàng mà phải thừa nhận là phần lớn sự quan ngại đến từ việc các sản phẩm và dịch vụ được tạo ra ngày càng dễ dàng với sự trợ giúp của công nghệ. Các ngân hàng hiện vẫn có thể tự trấn an rằng mình có thương hiệu, dữ liệu và quy mô lớn. Do đó, ứng dụng công nghệ có thể là thách thức lớn với các ngân hàng hiện nay nhưng ở một khía cạnh khác cũng chính là cơ hội cho những tổ chức tín dụng biết nắm bắt thời cơ đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực công nghệ thông tin để thu hút nhiều khách hàng hơn.
Nhìn một cách toàn diện, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank cũng chia sẻ, sự phát triển của công nghệ sẽ giúp một bộ phận khách hàng, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa được tiếp cận với các dịch vụ tài chính hiện đại nhưng gần gũi.
Trong cuộc chơi công nghệ này, với những ngân hàng có hệ thống Internet Banking chưa phát triển mạnh, chọn hợp tác với các doanh nghiệp FinTech là lời giải trong ngắn hạn cho bài toán gia tăng tiện ích cho khách hàng, một trong những yếu tố then chốt với các ngân hàng định hướng bán lẻ.
Ngược lại, với những ngân hàng có nền tảng bán lẻ tốt, không chỉ dừng ở việc hợp tác với các công ty FinTech, họ đang tiếp tục đầu tư vào công nghệ thông tin, tăng cường an toàn hệ thống cũng là một đòi hỏi tất yếu của các ngân hàng trong bối cảnh công nghệ đang phát triển từng ngày, từng giờ.
Thực tiễn đã cho thấy những ngân hàng nhanh nhạy trong việc đầu tư và làm chủ công nghệ sẽ có bước phát triển vượt bậc. Năm 2018 này, một số ngân hàng định hướng bán lẻ đã bắt đầu tăng tốc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nhằm đem đến những trải nghiệm ngân hàng tốt nhất cho khách hàng, đó là sự tiện lợi, nhanh chóng nhưng an toàn. Một khi ba tiêu chí trên được đáp ứng, cộng thêm thương hiệu và quy mô sẵn có, ngân hàng sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu của khách hàng yêu công nghệ và đòi hỏi sự thuận tiện.
Xét trên khía cạnh thị trường, mua sắm trực tuyến ở Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển nhưng các nhà bán lẻ TMĐT cần nghiên cứu thêm hành vi tiêu dùng giúp dễ dàng tiếp cận cả người tiêu dùng lẫn các đơn vị cung cấp hàng hóa, đặc biệt nên hướng tới sự phát triển lâu dài, bền vững. Việc tham gia sân chơi tại Việt Nam của các thương hiệu TMĐT lớn như Amazon chắc chắn sẽ góp phần tạo thêm động lực cho thị trường này, cũng như khởi động lại cuộc đua giành thị phần. Theo dự báo từ giới chuyên gia, khả năng đến 2025, TMĐT Việt Nam sẽ vượt qua các nước trong khu vực. Nếu biết nắm bắt cơ hội thì các ngân hàng dù nhỏ cũng có thể khẳng định được mình trong thời gian sớm nhất có thể. |