Ưu đãi đầu tư nông nghiệp chưa đủ hấp dẫn
Đầu tư vào nông nghiệp: Nhận diện rào cản thể chế | |
Đầu tư nông nghiệp sạch để kéo vốn ngân hàng | |
Đầu tư nông nghiệp: Ngoại e dè, nội ngán ngẩm |
Tích tụ đất đai vẫn sẽ là nút thắt khó gỡ nhất trong các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Mặc dù các chuyển động chính sách gần đây cho thấy, cơ quan quản lý đã nhận ra tầm quan trọng của việc tích tụ ruộng đất và đề ra nhiều giải pháp cho vấn đề này, song dường như vẫn chưa thoả lòng NĐT.
Vướng nhất là về đất đai
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, trong đó trọng điểm là Nghị định 210/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, kết quả đạt được vẫn chưa như mong đợi.
Bàn về những rào cản khiến DN chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp, ông Đinh Ngọc Minh, chuyên gia của Vụ Kinh tế Nông nghiệp, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, vướng mắc của NĐT vào lĩnh vực nông nghiệp hiện tập trung chủ yếu tại các thủ tục về đất đai.
Chính sách đất đai chưa rõ ràng khiến NĐT không yên tâm rót vốn vào nông nghiệp |
Cụ thể, với các quy định tại Nghị định 210 và các thông tư hướng dẫn, các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư về đất đai (đối với dự án mới đề nghị giao hoặc thuê đất) theo Luật Đất đai, thủ tục về cấp phép xây dựng theo Luật Xây dựng, thủ tục về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường, thường làm mất nhiều thời gian, nguồn lực của DN, dẫn đến triển khai các dự án chậm.
Ông Minh cho biết thêm, ưu đãi đất đai quy định tại Nghị định 210 chưa phù hợp với Luật Đất đai năm 2013. Hiện Luật Đất đai 2013 mới chỉ quy định việc giao đất nông nghiệp cho đối tượng hộ gia đình, còn đối với tổ chức kinh tế thì mới chỉ có hình thức thuê hàng năm hoặc lâu năm. Đây chính là quy định dẫn đến vướng mắc trong tích tụ đất nông nghiệp, khiến đất nông nghiệp chưa thực sự là hàng hóa và có giá trị thấp.
Mặt khác, đất nông nghiệp (có giá trị thấp hơn đất ở) lại có quy định về thời hạn sử dụng tối đa là 50 năm và có hạn mức diện tích sử dụng. Đây được xem là bất cập và phân biệt chính sách giữa hai loại đất, dẫn đến nhiều cản trở đối với việc tích tụ đất nông nghiệp, gây khó khăn cho DN khi cần diện tích đất lớn để đầu tư dự án. Vì những bất cập này, Bộ KH&ĐT vừa phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng Dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhằm thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP.
Theo cơ quan soạn thảo, nghị định bổ sung các lĩnh vực mới có tiềm năng phát triển, giảm các điều kiện hỗ trợ, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với DN. Cụ thể là với chính sách khuyến khích tích tụ đất đai, tăng mức hỗ trợ thuê đất mở rộng quy mô sản xuất cho các DN theo hướng nâng mức hỗ trợ tiền DN thuê đất của hộ gia đình từ 20% lên 40% và cho phép sử dụng đất của nông lâm trường.
Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng tăng mức hỗ trợ cho các hoạt động đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, rà soát điều kiện nhận hỗ trợ theo hướng tạo điều kiện cho DN tiếp cận chính sách, như giảm quy mô tối thiểu của các mô hình chăn nuôi để được nhận hỗ trợ; giảm một số điều kiện trong chế biến lâm sản… Dự thảo nghị định được hứa hẹn sẽ giảm thủ tục hành chính theo hướng rút gọn từ 15 bước hiện nay xuống còn 7-8 bước.
Tuy nhiên, đại diện CTCP Chăn nuôi CP Việt Nam cho rằng, nội dung sửa đổi của nghị định vẫn chưa đảm bảo cho khả năng tích tụ ruộng đất của DN. Vị này nêu thực tế, để có vài ha phục vụ cho một dự án quy mô nhỏ, DN phải tự đàm phán với gần 30 hộ dân, do cơ chế đất đai hiện chưa rõ ràng. Do đó, quan trọng nhất là chính sách phải thiết kế được cơ chế giải quyết mối quan hệ này, nếu không các hợp đồng kinh tế giữa DN và người dân sẽ dễ dàng bị phá vỡ.
Còn muôn vàn khó khăn
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng DN bị hộ nông dân ép giá. Đại diện CP cho hay, DN này ký hợp đồng thu mua nguyên liệu với các hộ dân ở ĐBSCL từ tháng 11 năm ngoái, khi đó dù sản lượng cao, giá thấp song DN vẫn sẵn sàng thu mua với giá nhỉnh hơn thị trường cho bà con. Tuy nhiên tới năm nay mất mùa, giá lên cao thì các hộ dân lại không đồng ý với mức giá đã ký kết và buộc DN phải điều chỉnh giá. Vì vậy, vị này nhấn mạnh, thể chế liên kết giữa DN với nông dân phải thay đổi để đảm bảo quyền lợi cho cả 2 bên.
Cũng theo phản ánh của một số NĐT, còn một vài băn khoăn khác của họ hiện chưa được giải quyết trong dự thảo nghị định. Chẳng hạn, phạm vi của nghị định không tập trung vào nội dung ưu đãi thuế suất, hoặc có NĐT cho rằng, đã khuyến khích đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp thì tất cả các thiết bị liên quan đến chế biến nông sản mà Việt Nam chưa sản xuất được cần phải được miễn thuế nhập khẩu, song điều này cũng chưa được quy định.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương bổ sung, cần có quy định cụ thể hơn về bảo hiểm nông nghiệp bởi đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu đẩy mạnh bảo hiểm sẽ đảm bảo cho sự an toàn của NĐT trong quá trình triển khai dự án, như vậy, chắc chắn DN sẽ không còn ngại đầu tư vào nông nghiệp.
Trong số rất nhiều vướng mắc của DN, Bộ KH&ĐT cho rằng điều khó tháo gỡ nhất vẫn là chính sách tích tụ ruộng đất. Ông Nguyễn Thanh Dương, Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp chia sẻ, khi nghiên cứu kinh nghiệm cải cách đất đai ở một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, có thể thấy rằng Nhà nước bằng nhiều hình thức mua lại đất và bán cho DN. Đó là cách xử lý tương đối hài hoà về mặt kinh tế và xã hội đối với quá trình tích tụ ruộng đất. “Nhưng cách làm này phải được nghiên cứu kỹ, có triển khai chăng nữa cũng phải thí điểm cẩn thận”, ông Dương nói.