Ưu đãi thuế giúp doanh nghiệp phát triển
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chính sách thuế tác động không nhỏ đến DNNVV. Đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho DNNVV thời gian qua như miễn giảm thuế, hay Luật Hỗ trợ DNNVV cũng có quy định ưu đãi về thuế... Mới đây, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập DN nhằm hỗ trợ, phát triển DNNVV. Đây là vấn đề đang được cộng đồng DN đặc biệt quan tâm, nhất là về thuế TNDN.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có hơn 600 nghìn DN, trong đó DNNVV chiếm đến 97% và có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế. Hàng năm, các DNNVV đã tạo ra gần 60% việc làm (chiếm 42,2% số lao động), 44,8% doanh thu, đóng góp khoảng 40% GDP, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu, đóng góp 29,3% cho ngân sách Nhà nước.
Các chuyên gia cho rằng, DNNVV đang thể hiện vai trò là trụ cột quan trọng với những đóng góp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên trên thực tế, họ còn đang gặp nhiều khó khăn về chính sách như về thủ tục hành chính, chính sách thuế, hải quan, tiếp cận vốn... Việc tháo gỡ những khó khăn đó đang được cộng đồng DN kỳ vọng sẽ cải thiện trong năm 2019.
Chính sách thuế tác động không nhỏ tới DNNVV |
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, thời gian qua chính sách về thuế đã có những thuận lợi hơn cho DN. Cụ thể Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ đầu năm 2018 đã có quy định ưu đãi thuế cho các đối tượng DN này. Đã có những tiêu chí riêng như quy định việc miễn, giảm thuế thu nhập DN có thời hạn cho các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; Quy định việc miễn, giảm thuế TNDN có thời hạn cho các DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; Quy định việc miễn, giảm thuế thu nhập DN có thời hạn cho các nhà đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo... Tuy nhiên, các chính sách này cần được triển khai một cách hiệu quả hơn nữa trong thực tiễn.
Cùng với những chính sách ưu đãi về thuế hỗ trợ DNNVV thì công tác đổi mới, cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế cũng được cải thiện. Theo Cục Thuế Hà Nội, công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành thuế và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế đã góp phần thúc đẩy hỗ trợ người dân và DN. Cùng với việc rà soát để cắt giảm thủ tục hành chính, Cục Thuế Hà Nội đã triển khai tốt các đề án cải cách hành chính của Tổng cục Thuế và của TP. Hà Nội. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong quản lý thuế đạt cấp độ 3, 4 như kê khai, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, biên lai điện tử, hóa đơn điện tử...
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội (Hanoisme) cho rằng, lĩnh vực thuế trên địa bàn Hà Nội đã có những cải cách và hỗ trợ tích cực cho DN. Cụ thể, tỷ lệ DN thực hiện khai thuế qua mạng đạt 97%; Tỷ lệ đăng ký nộp thuế điện tử đạt trên 95%; Hoàn thuế điện tử đạt trên 96,5% số hồ sơ hoàn thuế điện tử. Thành phố xây dựng và triển khai đề án “Hỗ trợ DN khởi nghiệp, DNNVV giai đoạn 2017 - 2020” với mục tiêu là cung cấp, hỗ trợ các thông tin pháp lý, giải đáp liên quan đến chính sách, thủ tục về thuế ban đầu, các dịch vụ hỗ trợ liên quan cho DN mới thành lập. Tiếp tục triển khai cơ chế liên thông thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế và thực hiện đề án “Đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế trên địa bàn thành phố năm 2018”.
Để tiếp tục khuyến khích DNNVV phát triển, cụ thể hóa quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ và Quốc hội cho áp dụng một số chính sách ưu đãi về thuế TNDN nhằm thúc đẩy DN phát triển. Chính sách được quan tâm nhiều đó là giảm thuế suất thuế TNDN xuống còn 15%- 17% thay vì mức 20% như hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất miễn thuế TNDN trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh…
Theo đại diện Bộ Tài chính, những thay đổi này sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh đối với khu vực DNNVV, tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời thúc đẩy, sẽ tạo điều kiện cho các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển lên mô hình DN. Qua đó, thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN.
Chủ trương giảm thuế thu nhập đối với DN tác động không nhỏ đến lợi ích của cộng đồng DN, nhất là các DNNVV. Bởi vậy chính sách thuế cần phải xây dựng minh bạch, tạo thuận lợi cho DN. Ngoài chính sách thuế, cũng cần nhiều giải pháp hỗ trợ cho DN như hỗ trợ về tiếp cận tín dụng, đổi mới khoa học công nghệ, xúc tiến mở rộng thị trường… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, ông Tô Hoài Nam cho biết thêm.