Vận chuyển gỗ trái phép
Gỗ lậu “đi” xe khách
Thời gian gần đây, trên địa bàn miền Trung đặc biệt tại Quảng Nam, tình trạng vận chuyển gỗ trái phép đang có chiều hướng gia tăng. Đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng tham gia vận chuyển đã sử dụng nhiều hình thức tinh vi, sử dụng nhiều phương tiện từ xe thùng kín, thùng lạnh, xe bồn và đặc biệt là xe khách để vận chuyển mặt hàng này...
Gỗ lậu thường được xẻ nhỏ trước khi vận chuyển |
Trên địa bàn Quảng Nam, gỗ lậu thường được các đối tượng vận chuyển từ Tây Nguyên, men theo đường Hồ Chí Minh để về xuôi, hoặc từ các huyện miền núi của Quảng Nam như Phước Sơn, Tây Giang... về TP. Tam Kỳ hay Đà Nẵng. Mới đây, đội CSGT số 2, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam đã phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển gỗ lậu trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua địa bàn huyện Nam Giang.
Thiếu tá Phạm Phương Bình, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 2 cho biết, khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại km 1336 trên tuyến đường Hồ Chí Minh, tổ công tác phát hiện hai đối tượng dùng xe máy kéo theo xe bò chở nhiều phách gỗ nên ra tín hiệu dừng xe.
Tuy nhiên, hai đối tượng không chấp hành mà tiếp tục kéo xe bò bỏ chạy. Bị truy đuổi, đối tượng điều khiển xe máy vứt lại xe bò rồi tăng ga tẩu thoát. Sau đó, tổ tuần tra bắt giữ được đối tượng Nguyễn Dũng, trú thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, là người ngồi sau giữ kéo theo xe bò chở gỗ lậu. Qua đo đếm ban đầu, xác định xe bò chở 6 phách gỗ có khối lượng khoảng 1,2m3.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, thời gian gần đây các đối tượng thường sử dụng xe khách để vận chuyển gỗ lậu. Trong đó, có thể kể đến vụ lực lượng chức năng Quảng Nam phát hiện xe khách mang BKS 37B-005.36 có biểu hiện nghi vấn nên ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe chở 20 phách gỗ các loại. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế xe khách là Phan Đức Phương, trú Đắk Lắk không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số gỗ trên. Cũng sử dụng xe khách để vận chuyển gỗ lậu còn có vụ xe khách mang BKS 81B-002.62 chở 6 phách gỗ được ngụy trang dưới khoang hành lý.
Tài xế điều khiển xe là Nguyễn Hữu Ái, trú Gia Lai đã khai nhận vận chuyển số gỗ trên từ Gia Lai đi Quảng Bình. Chuyến xe đã “lọt” qua nhiều chốt kiểm soát, đến địa phận Quảng Nam thì mới bị phát hiện, bắt giữ. Ngoài ra, còn có thể kể vụ lực lượng chức năng địa phương phát hiện ô tô Ford Transit 16 chỗ mang BKS 74B-001.91 do tài xế Nguyễn Văn An, trú huyện Quảng Trị điều khiển đi hướng Kon Tum về TP. Đà Nẵng chở theo 5 tấm gỗ có chiều dài 2m, diện rộng nhất 0,8m. Cũng như, các vụ vận chuyển gỗ lậu khác, tài xế xe khách này cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số gỗ trên...
Lợi dụng kẽ hở
Có thể nói, đến nay ngoài việc gỗ lậu từ Tây Nguyên được vận chuyển về xuôi đi qua địa phận Quảng Nam, thì một lượng gỗ lậu lớn cũng được xuất phát ngay từ các huyện miền núi Quảng Nam, rồi tìm cách đưa về các huyện đồng bằng hay Đà Nẵng.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh gần đây xuất hiện nhiều điểm “nóng” về phá rừng như khu vực giáp ranh giữa Phước Sơn với Bắc Trà My; khu vực biên giới cửa khẩu Đắc Ốc (Nam Giang) với huyện Đắc Chưng (Lào)... Ngoài ra, còn có thể kể đến các khu vực xung quanh lòng hồ thủy điện như, thủy điện Đăk Mi4, Sông Tranh 2...
Để ngăn chặn tình trạng vận chuyển gỗ lậu ngày càng phức tạp, các lực lượng chức năng Quảng Nam đặc biệt là công an tỉnh đã tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn. Công an Quảng Nam đã tăng cường công tác quản lý hộ khẩu, phân hóa đối tượng xác định các đầu nậu, đối tượng bảo kê... nhằm ngăn chặn các đường dây vận chuyển gỗ lậu từ gốc.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay để đối phó với lực lượng chức năng các đối tượng vận chuyển gỗ lậu đi qua địa bàn Quảng Nam đã và đang sử dụng nhiều hình thức vận chuyển tinh vi, ngoài sử dụng xe khách các đối tượng còn sử dụng xe thùng kín, thùng lạnh, thậm chí có đối tượng còn dùng cả xe bồn chở dầu để qua mắt lực lượng chức năng, vận chuyển gỗ lậu. Đặc biệt, gian manh hơn các đối tượng tham gia vận chuyển gỗ lậu thường xé lẻ, vận chuyển gỗ với số lượng nhỏ để tránh bị xử lý trách nhiệm hình sự, tịch thu phương tiện...
Cụ thể, Nghị định 157/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt các hành vi vận chuyển lâm sản trái phép. Theo quy định này, các phương tiện vận chuyển gỗ thông thường trái phép với khối lượng từ 1,5m3 trở lên sẽ bị tịch thu gỗ, xử phạt hành chính, đồng thời bị tịch thu phương tiện vận chuyển nếu là do chính chủ xe điều khiển...
Bởi vậy, để đối phó các đối tượng chỉ vận chuyển với khối lượng nhỏ, dưới 1,5m3 để dễ bề qua mắt lực lượng chức năng; đồng thời nếu bị phát hiện thì cũng chỉ bị xử phạt hành chính chứ không bị tịch thu phương tiện, khi cơ quan chức năng phát hiện. Ngoài ra, lợi dụng đặc điểm địa bàn đồi núi, các đối tượng chủ yếu vận chuyển vào ban đêm, cắt cử các đối tượng do thám trước... gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.