Vận tải biển có đổi vận sau quý II/2016?
Ảnh minh họa |
Hiện nay, Gemadept (GMD) được nhà đầu tư quan tâm nhiều bởi KQKD của doanh nghiệp này đang rất khả quan. Năm 2015, GMD đạt 3.593 tỷ doanh thu (tăng 19,1% so với cùng kỳ) và LNST đạt 402 tỷ đồng (giảm 24,2% so với cùng kỳ) tương đương với EPS gần 3.190 đồng. Nếu không tính lợi nhuận chuyển nhượng cao ốc Gemadept gần 630 tỷ trong năm 2014 thì LNST 2015 tăng gần 8 lần so với cùng kỳ.
Thực tế, khai thác cảng là động lực tăng trưởng chính của Gemadept, trong đó, hiệu suất khai thác trên 90% của cảng Nam Hải Đình Vũ và doanh thu lưu hàng lạnh tại khu vực cảng Hải Phòng tăng đột biến đẩy đóng góp của mảng này trong tổng lợi nhuận gộp lên 74,7% từ 64% năm 2014.
Hoạt động cốt lõi thứ hai là logistics tuy ghi nhận doanh số tương đương cùng kỳ nhưng hiệu quả đang ngày càng cải thiện nhờ vào tận dụng cơ sở vật chất đang khai thác để tăng cường các dịch vụ tích hợp cho khách hàng.
Trong năm 2016, GMD đặt kế hoạch chỉ tiêu doanh thu chỉ tăng 3% so với cùng kỳ và LNTT là 430 (giảm 15% so với năm 2015) tuy nhiên, kết quả trong nửa đầu năm đang cho thấy công ty này sẽ vượt kế hoạch đặt ra.
Cơ sở để Gemadept hoàn thành kế hoạch là từ cuối 2015, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn giao thương hàng hóa tăng trưởng mạnh từ 2018, Gemadept đã hoàn thành và đưa vào khai thác Trung tâm phân phối (TTPP) thứ 3 ở Sóng Thần – nâng tổng diện tích TTPP lên 120.000 m2.
Việc khai thác hiệu quả năng lực kho bãi tăng thêm sẽ giúp doanh số và lợi nhuận mảng logistics của GMD tăng trưởng trong năm 2016. Trong năm nay, GMD tiếp tục thi công hai dự án trọng điểm gồm: ICD Nam Hải với diện tích 21ha (Hải Phòng) và dự án Mekong Logistics liên doanh với đối tác thủy sản Minh Phú.
Ngoài ra, công ty đang có kế hoạch tái khởi động lại dự án cảng nước sâu Gemalink Cái Mép. Theo đánh giá của các nhà phân tích, mặc dù Gemalink có luồng lạch và chiều dài bến có thể tiếp tàu container đến 200 nghìn tấn, tuy nhiên, triển vọng về nguồn hàng hóa ở Việt Nam và các quốc gia lân cận đủ để tàu mẹ có thể mở tuyến lâu dài đến Cái Mép cần nhiều thời gian hơn.
Do đó, dự án này là khá dài hơi và GMD chắc chắn sẽ phải đánh giá một cách cẩn thận về tính hiệu quả trong việc quyết định đi tiếp với dự án lớn này.
Đồng thời, với hệ thống tài sản lớn (kho bãi, cảng, vận tải bộ -thủy) trải dài Bắc - Nam, mạng lưới khách hàng rộng lớn và nhãn hiệu lâu năm, GMD được đánh giá là một trong số ít các doanh nghiệp nội có khả năng cạnh tranh với các đối thủ mạnh nước ngoài trong giai đoạn hội nhập sâu rộng của Việt Nam sắp tới.
KQKD cốt lõi tiếp tục tăng trưởng tốt, mạnh dạn đầu tư mở rộng hệ thống hạ tầng kho vận ở các địa bàn trọng điểm và những tín hiệu phát đi của ban lãnh đạo GMD trong việc tái cấu trúc các mảng kinh doanh không cốt lõi tuy có dài hơi là những yếu tố căn cơ cho GMD phát triển thành doanh nghiệp “1 tỉ đô” vào năm 2020 như đặt ra.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt đối với GMD là giới phân tích đang quan ngại về rủi ro pha loãng của GMD khi khoản vay trái phiếu chuyển đổi 40 triệu USD sẽ đáo hạn vào quý II/2017 và trái chủ thực hiện chuyển đổi.
Theo đó, dù có KQKD khả quan, song với cẩn trọng cần thiết, giới phân tích dự báo LNST 2016 của GMD chỉ tăng trưởng nhẹ 2,2% so với năm 2015, tương ứng với EPS 2016 (đã trừ cổ phiếu phúc lợi) là 2.180 đồng - tính trên số lượng cổ phiếu sau khi chia cổ phiếu thưởng…