DN nội bước tới, DN ngoại cũng cần xích lại
BWG đánh giá cao NHNN trong giải quyết vướng mắc, kiến nghị | |
VBF 2017: Cơ hội để DN Việt Nam trỗi dậy là rất lớn | |
VBF 2017: Chính sách thiếu nhất quán DN sẽ bất an |
Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 với chủ đề “Liên kết DN trong nước và nước ngoài – hợp tác hướng tới lợi ích chung” đã diễn ra hôm qua 4/7 tại Hà Nội. Chủ đề của diễn đàn đã phần nào nói lên tầm quan trọng của nó, bởi DN nước ngoài không liên kết được với DN nội địa đã từng tạo nên nỗi lo về thực trạng một nền kinh tế với hai tốc độ hay là hai nền kinh tế trong một quốc gia.
Trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng, hai vị đồng Chủ tịch VBF là TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI và ông Tomaso Andreatta - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam đã cùng đưa ra thông điệp.
Đồng Chủ tịch VBF, TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI và ông Tomaso Andreatta - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam |
Đến nay, đã sau 30 Việt Nam đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhưng chúng ta vẫn nói về vấn đề liên kết giữa DN nội địa và DN nước ngoài. Và hôm nay, ông sẽ nói đến vấn đề này như thế nào, thưa hai vị đồng chủ tịch.
TS. Vũ Tiến Lộc: Tại Hội nghị xúc tiến thương mại Thái Nguyên diễn ra cách đây ít ngày, tôi nghe lãnh đạo Samsung nói có ý định đưa 200 nhà cung ứng nước ngoài đến với Việt Nam. Đây là một tin vừa vui vừa buồn. Vui vì đất nước sẽ được lợi khi thu hút thêm được 200 DN nước ngoài. Nhưng buồn vì giá như đây là 200 DN Việt Nam.
Tất nhiên biết rằng điều này là không dễ dàng, nhất là khi nhìn vào bức tranh DN Việt Nam hiện nay. Tôi luôn bị dằn vặt với câu chuyện làm thế nào để DN trong nước lớn lên, trở thành nhà cung ứng xuyên quốc gia. Dù vấn đề không mới, nhưng sẽ phải bàn nhiều, thậm chí rất nhiều, đặc biệt đất nước đã trải qua 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài. Nếu không có được sự liên kết, thì giữa DN FDI và DN Việt mãi là hai thế giới riêng.
Chính phủ Việt Nam cũng như các thành viên của VBF đều hết sức quan tâm tới quan hệ hợp tác giữa những DN Việt Nam với những DN FDI. Tuy nhiên, để xây dựng được quan hệ hợp tác hiệu quả nhất, cần cả một quá trình dài. Chủ đề này cần được xem xét một cách sâu sắc và nghiêm túc hơn nữa để tiếp tục giải quyết những tồn tại, những vướng mắc phát sinh mới. Chắc chắn chủ đề này sẽ còn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nữa.
Như Chủ tịch Vũ Tiến Lộc đã bày tỏ tâm trạng khi DN Việt Nam không trở thành nhà cung ứng của Samsung, ông nhìn nhận mối liên kết giữa DN nội địa và DN nước ngoài như thế nào?
Ông Tomaso Andreatta: Sản phẩm của Samsung đòi hỏi những thiết bị linh kiện đặc biệt và để sản xuất được những linh kiện thiết bị đó đòi hỏi nhà cung ứng đặc biệt.
Nhưng vấn đề chính khiến DN trong nước chưa liên kết được với DN FDI chính là do cơ cấu DN trong nước. DN trong nước quá nhỏ và quá thiếu kiến thức cũng như kinh nghiệm trong việc bán sản phẩm cho các khách hàng có thị trường toàn cầu, và phải sản xuất các sản phẩm chất lượng hàng đầu với mức giá hợp lý; tiềm lực tài chính của các DN trong nước cũng còn hạn chế. Trong khi chúng tôi đòi hỏi sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường phải đạt đến chất lượng cao nhất. Hiện tại, nguyên vật liệu đầu vào ở địa phương không đáp ứng được yêu cầu mà chúng tôi cần. Điều này thật đáng tiếc, bởi khối FDI luôn cố gắng sử dụng nguồn lực có sẵn ở địa phương nhiều nhất có thể.
Một hạn chế nữa của Việt Nam trong việc thu hút công nghệ cao đó là dù có dân số đông, nhưng quy mô thị trường đối với hầu hết các sản phẩm, từ tiêu dùng đến công nghiệp đều rất hạn chế và người tiêu dùng Việt Nam hầu hết mua hàng sản xuất ở châu Á. Một phần vì những vấn đề liên quan đến môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự thông thoáng nhiều rào cản gây nhiều khó khăn, tốn kém cho DN cả về thời gian, tiền bạc và công tác quản lý.
Đó là lý do tại sao DN FDI vẫn phải mang các nhà cung cấp từ bên ngoài vào thay vì chọn các công ty Việt Nam để cung ứng.
Doanh nghiệp ngoại cần chủ động hỗ trợ cho doanh nghiệp nội |
Việt Nam luôn mong muốn có được mối liên kết này, nhưng với DN FDI, nếu không có được mối liên kết như kỳ vọng thì sẽ thế nào? Và cần làm gì để tạo được mối liên kết như kỳ vọng?
Ông Tomaso Andreatta: Khi không có được nhà cung ứng là DN trong nước, nhiều công ty nước ngoài sản xuất tại Việt Nam phải tái xuất 100% hàng hóa, và như vậy một lần nữa đã cô lập các DN trong nước ra khỏi các DN FDI.
Hàng loạt Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết yêu cầu phải có tỷ lệ đóng góp cao của nguồn lực địa phương, việc sản xuất sản phẩm ở địa phương phải có mức độ tham gia sâu hơn vào dây chuyền chứ không chỉ ở mức lắp ráp đơn thuần. Vì vậy, nếu như các DN địa phương có năng lực tốt hơn, chúng tôi - những DN nước ngoài - sẽ rất vui mừng bởi việc sản xuất sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng nếu như chúng tôi không thể thu mua nguyên vật liệu tại chỗ do không đáp ứng yêu cầu chất lượng, không đủ tin cậy hoặc bị DN địa phương vi phạm hợp đồng, đó sẽ là một rắc rối nghiêm trọng.
Bên cạnh đó là những hạn chế cố hữu của hệ thống pháp luật, đặc biệt là những quy định có liên quan đến công nghệ cao và sở hữu trí tuệ. Chúng tôi chưa yên tâm chuyển giao tài sản trí tuệ ở đây vì e ngại rằng nó sẽ không được bảo vệ, như vậy đầu tư sẽ rất mạo hiểm, như ném hàng tỷ USD qua cửa sổ vậy. Vậy nên chúng tôi rất cần cơ chế bảo vệ về tài sản trí tuệ, chúng tôi cần đưa được những nhân tài giỏi nhất sang đây để có thể chia sẻ phương thức sản xuất tốt nhất. Chính vì thế mà cho tới nay, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc liên tục thu hút vốn đầu tư, nhưng vẫn chưa có những công nghệ tối tân nhất.
Một vấn đề nữa là yêu cầu có cơ sở hạ tầng tốt hơn về năng lượng và vận tải đang vượt quá khả năng đầu tư trong nước trong khi nguồn ODA đã giảm mạnh. Thách thức khác là chính sách hiện tại cũng như thị trường vốn cùng với luật tái cơ cấu doanh nghiệp và M&A, quy mô của các nhà đầu tư tổ chức trong nước vẫn chưa cho phép tạo ra các công ty đủ nguồn lực tài chính để đầu tư cần thiết tiếp cận thị trường thế giới, do vậy họ cần phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Do đó, Việt Nam cần phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa thị trường vốn.
Mặt khác, giảm gánh nặng thuế và hải quan sẽ giúp giải phóng nguồn lực cho các công ty trong nước để đầu tư vào kiến thức và công nghệ, cũng như thu hút các công ty nước ngoài sản xuất cho thị trường nội địa…
Ngoài ra, việc quá nhiều vốn đang được đổ dồn vào lĩnh vực bất động sản cũng là một lo ngại. Vì vậy, cần hướng dẫn các công ty lớn trong nước từ bỏ bất động sản, mặt khác cần quản lý chuyên dụng mới và đặt nền tảng cho các công ty thuộc các ngành công nghiệp và công nghệ hiện đại. Cần tập trung các công ty hiện nay thành những công ty lớn có đủ khả năng tham gia vào những hoạt động kinh doanh phức tạp hơn và có thể thu hút được những tài năng và kỹ năng cần thiết.
Làm được như vậy sẽ mở cánh cửa hợp tác giữa hai bên.
TS. Vũ Tiến Lộc: Sở dĩ quá trình toàn cầu hoá đang gặp trở ngại và đặc biệt là chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang trỗi dậy bởi quá trình toàn cầu hoá và phát triển của DN lớn đôi khi không kéo theo được sự phát triển của các DNNVV mà bỏ lại đằng sau một bộ phận các DN nhỏ, DN siêu nhỏ. Vì thế phải tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới, là DN tư nhân trong nước, đặc biệt là DNNVV với DN nước ngoài. Tạo mối liên kết để đảm bảo hai khu vực này phát triển song hành với nhau, tránh tình trạng một nền kinh tế với 2 tốc độ hay là 2 nền kinh tế trong một quốc gia.
Để tạo được mối liên kết, cần thiết kế lại các chuỗi liên kết giá trị toàn cầu, đảm bảo mọi lực lượng kinh tế, các DN lớn, DNNVV, DN xuyên quốc gia và DN trong nước có thể liên kết được với nhau. Sự thay đổi của thương mại quốc tế với nền kinh tế dựa trên sự đổi mới và sáng tạo, mà đặc biệt với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đang xoá bỏ mọi khoảng cách không gian giữa DN FDI và DN trong nước, giúp DNNVV Việt Nam có thể kết nối và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để tạo được chuỗi liên kết này, vai trò chủ chốt là của các DN bởi nếu ví nền kinh tế Việt Nam là một sân chơi thì chúng ta chỉ nên có một “đội bóng”, là liên kết của các thành phần kinh tế, mà tại đó Chính phủ chỉ là cơ quan tạo ra luật chơi, là trọng tài trong cuộc chơi này.
Một mặt DN trong nước cần tự nâng cao mình thì DN nước ngoài cũng cần chủ động hơn đưa ra các chương trình hỗ trợ DN trong nước nâng cao năng lực quản trị, nâng cao công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực để có đủ khả năng tham gia vào liên kết, và có thể cũng nên thành lập quỹ hỗ trợ DN nội địa.
Sau Diễn đàn VBF 2017, VCCI sẽ cùng làm việc với các DN, các hiệp hội, để bàn xem liên kết cái gì, liên kết như thế nào? VBF không chỉ là nơi để chúng ta nói, mà sau đó là cả một chương trình hành động của các DN, Hiệp hội DN trong và ngoài nước.
Khu vực DN FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 20% GDP. Trong đó, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp hơn 72% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 3,6 triệu lao động trực tiếp và 5 - 6 triệu lao động gián tiếp. Tuy nhiên, sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực DN trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp. |