Chỉ còn cửa cho cải cách thực chất
Còn nhiều trở ngại với kinh tế tư nhân | |
Cải thiện môi trường kinh doanh: Thách thức nằm ở chính mình | |
Lo không đạt mục tiêu bãi bỏ 50% số điều kiện kinh doanh |
Thực tế chưa như kỳ vọng
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan đã triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt được một số kết quả ban đầu. Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hành động có ý nghĩa nhất trong thời gian qua là việc rà soát sửa đổi các văn bản về kiểm tra chuyên ngành (KTCN); cắt giảm, đơn giản hóa, minh bạch mã HS của Danh mục mặt hàng phải KTCN; rà soát, loại bỏ quy định chồng chéo giữa các cơ quan trong KTCN; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ KTCN; chuyển thời điểm KTCN từ trước sang sau thông quan và hiện đại hóa thủ tục KTCN.
Nhiều hoạt động KTCN còn chưa rõ ràng về các loại hàng hóa phải thực hiện kiểm tra |
Tuy nhiên, thống kê cho thấy kết quả thực tế của các hành động này vẫn chưa được như mong đợi. Quả vậy trên thực tế, cho đến nay mới chỉ có khoảng 6% các mặt hàng được đưa ra khỏi diện phải KTCN. Bên cạnh đó, trong số 164 Danh mục hàng hóa phải KTCN thì có tới 63 Danh mục chưa được các bộ quản lý chuyên ngành ban hành chính thức, chưa chỉ rõ mã HS từng mặt hàng, hoặc có mã HS chưa phù hợp (chiếm tới 36% số Danh mục). Thời gian KTCN trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn xấp xỉ ba lần so với các nước ASEAN-4.
Đánh giá của DN về KTCN (theo rà soát sơ bộ vào tháng 6/2018 của VCCI đối với Danh mục Hàng hóa, TTHC về quản lý chuyên ngành và KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo đề nghị của Tổng cục Hải quan) cũng cho thấy vẫn còn những bất cập lớn trong KTCN. Nổi lên các vấn đề như: Nhiều hoạt động KTCN còn chưa rõ ràng về các loại hàng hóa phải thực hiện kiểm tra (không có Danh mục hàng hóa cụ thể phải kiểm tra); Một số biện pháp quản lý về ATTP còn chưa áp dụng theo cơ chế quản lý mới (theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP)…
Trong khi đó về cắt giảm, đơn giản hóa các ĐKKD, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, mục tiêu hoàn thành cắt giảm 50% tổng số ĐKKD trước mốc 31/10/2018 là một thách thức rất lớn bởi cho đến tháng 6/2018, mới chỉ có Bộ Công thương đã ban hành Nghị định về vấn đề này; nhiều bộ, ngành khác vẫn đang trong quá trình xây dựng. Bên cạnh đó, chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm ĐKKD chưa đồng đều, còn có tình trạng chạy theo con số, mang tính đối phó, không thực chất.
“Hết cửa” làm không thực chất
Để xóa bỏ tình trạng này, Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg trong đó thể hiện rất rõ sự quyết liệt giải quyết đối với những vấn đề còn vướng mắc; đặc biệt nghiêm cấm các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự đặt thêm ĐKKD, danh mục hàng hóa, thủ tục KTCN trái quy định của pháp luật.
“Từng đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần quán triệt việc cải cách hoạt động KTCN, cắt giảm ĐKKD là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, giải phóng nguồn lực xã hội, do đó cần tập trung chỉ đạo thực hiện công tác này một cách quyết liệt, thực chất, xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao”, Chỉ thị nêu rõ.
Thủ tướng cũng yêu cầu đến trước ngày 15/8 tới, các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thành việc ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền các văn bản để thực thi phương án cải cách hoạt động KTCN, cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD. Văn bản thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD phải đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% ĐKKD trong khi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD phải thực chất, không gộp nhiều điều kiện thành 1 điều kiện theo kiểu cơ học hoặc chỉ thay đổi tên gọi.
Để tránh nguy cơ “thiếu động lực” trong cải cách, cắt giảm ĐKKD thực sự, VCCI đề nghị các Bộ trưởng không giao cho các vụ, cục đang thực hiện nhiệm vụ cấp phép lại là cơ quan chủ trì soạn thảo phương án hay chủ trì soạn thảo các nghị định, thông tư cải cách cấp phép này. Thay vào đó, quy định cải cách cần giao cho các đơn vị độc lập, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và chủ động tham vấn những vấn đề chuyên môn của các cơ quan khác.
Bên cạnh đó, để các phương án cải cách mang tính triệt để, các bộ cần mở rộng đánh giá các ĐKKD chứa đựng trong luật để có phương án sửa đổi hoặc bãi bỏ những ĐKKD bất hợp lý. Ngoài ra, việc tích cực tham vấn các bên liên quan (như VCCI và các hiệp hội) cũng rất cần thiết trong quá trình soạn thảo phương án cắt giảm ĐKKD.