Vị thế sản phẩm Việt Nam đang dần được khẳng định
Đó là những thông tin nổi bật được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2019 với chủ đề “Đổi mới cách thức triển khai xúc tiến thương mại nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu” diễn ra ngày 12/4, tại Hà Nội.
Diễn đàn tập trung thảo luận về cách thức xúc tiến xuất khẩu mới phù hợp với xu hướng tiếp cận thị trường quốc tế hiện nay. Diễn đàn hướng tới những giải pháp đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), tận dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai hoạt động XTTM nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia có hiệu quả và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển xuất khẩu bền vững.
“Trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTAs thế hệ mới với các đối tác lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Liên minh châu Âu, Liên minh Kinh tế Á – Âu, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư nước ngoài và hoạt động ngoại thương, giúp các doanh nghiệp có thêm năng lực sản xuất và thúc đẩy kinh doanh, xuất khẩu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Hải, để tận dụng và phát huy lợi thế cũng như các cơ hội từ các FTAs, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động thích ứng, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu nhằm đáp ứng thị hiếu và tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng.
Còn theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, không nên nhìn xuất khẩu chỉ là thị trường. “Trong xúc tiến xuất khẩu, điều cơ bản nhất vẫn là đối tác. Đối tác không phải chỉ để cùng nhau xuất khẩu mà phải xúc tiến xuất khẩu, là tạo ra mạng lưới, tạo ra chuỗi giá trị và đầu vào. Kinh tế thương mại ngày nay không còn chỉ lấy doanh nghiệp là trung tâm, mà thay vào đó là công chúng, là đại chúng và đám đông… Đây là những đặc trưng thay đổi căn bản trong sản xuất và thương mại”, TS. Võ Trí Thành nói.
Các chuyên gia kinh tế trong nước, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam và đại diện các tổ chức quốc tế đến từ châu Âu, châu Mỹ đã trao đổi, nhận định, đánh giá cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, xu hướng thị trường thế giới và các vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý nhằm triển khai hiệu quả hoạt động phát triển thị trường xuất khẩu hiện nay.
Trong đó, các vấn đề nổi cộm cần giải quyết trong công tác xuất khẩu chính là cách thức tiếp cận thị trường với hình thức XTTM qua môi trường thương mại điện tử; các chia sẻ về tiếp cận mới trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu. Đặc biệt, cần khuyến khích sự chuyển biến về tư duy và hành động của doanh nghiệp Việt Nam theo mô hình xúc tiến thương mại theo chuỗi giá trị, xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu trung và dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm và đẩy mạnh XTTM khai thác thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số...