Việt Nam - Đất lành cho khởi nghiệp?
Tiếp sức cho tinh thần khởi nghiệp | |
Thúc đẩy tiềm năng cho phụ nữ khởi nghiệp | |
Tọa đàm “Tư duy kiến tạo khởi nghiệp và bài học kinh nghiệm ở Việt Nam” |
Khởi nghiệp đang lên như trào lưu
“Khởi nghiệp đang lên như phong trào, chứ không phải phát triển đúng theo hướng khởi nghiệp là một phương thức phát triển là do hiểu chưa đến nơi đến chốn về khởi nghiệp”, PGS.TS.Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tỏ ra e ngại khi nói về khởi nghiệp.
Với sự tin tưởng rằng “Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành miền đất nuôi dưỡng các đam mê, hoài bão, khát vọng làm giàu, phụng sự xã hội và phụng sự đất nước”, Công ty tư vấn Economica đã có nghiên cứu “Việt Nam - Đất lành cho khởi nghiệp. Tại sao không?”. Theo nghiên cứu này: “Tinh thần hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam đang lên cao hơn bao giờ hết. Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, các cuộc tọa đàm, hội thảo được tổ chức với tần suất ngày một tăng. Nhiều chính sách, luật và chương trình khuyến khích khởi nghiệp đã và đang được xây dựng, ban hành”.
Ảnh minh họa |
Nhưng cũng như PGS.TS.Trần Đình Thiên, Economica cũng e ngại mà nhấn mạnh rằng: “Khởi nghiệp đang lên như trào lưu nhưng trào lưu rồi sẽ qua đi. Vậy làm sao để tinh thần khởi nghiệp này được duy trì bền vững để đóng góp lâu dài cho sự thịnh vượng của nền kinh tế để trở thành giá trị cốt lõi của nền kinh tế chứ không chỉ là một trào lưu, không chỉ là phong trào?”.
Nghiên cứu của Economica cho thấy hiện 3% số DN khởi nghiệp đang trong giai đoạn đầu: lên ý tưởng, 36% đã ở giai đoạn 2: định hình ý tưởng bằng việc thành lập DN. 50% DN khởi nghiệp đã ở giai đoạn 3: bắt đầu có doanh thu, 2% đã ở giai đoạn 4: mở rộng sản xuất, 6% đang ở đỉnh: mở rộng thị trường, nhưng đã có 2% số DN khởi nghiệp đã tuột dốc về giai đoạn 6 - khủng hoảng.
Với kinh nghiệm hơn chục năm hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp và thực hiện các dự án hỗ trợ khởi nghiệp, ông Vũ Tuấn Anh, Viện Quản lý Việt Nam, cho biết: Tỷ lệ tồn tại của các công ty khởi nghiệp thường chỉ là 5-10% sau 3-5 năm hoạt động.
Bên cạnh những cảnh báo về tỷ lệ DN khởi nghiệp đang khủng hoảng và số tuổi thọ tính bằng 3-5 năm của DN khởi nghiệp, còn có dấu hiệu xấu đáng suy ngẫm đó là đã có những người Việt dù có ý tưởng kinh doanh, ý tưởng sáng tạo là xuất phát từ Việt Nam, có gốc gác Việt Nam, sản phẩm, dịch vụ Made in Vietnam và phục vụ thị trường, người tiêu dùng Việt Nam nhưng lại không khởi nghiệp trên đất Việt.
Theo điều tra PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), có tới 6,4% doanh nhân trẻ đang cân nhắc chuyển sang các nước khác, thay vì lựa chọn một tỉnh, thành phố của Việt Nam. Thực tế đã có Cốc Cốc và các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ như Lozi, Azitack, Antoree.vn đã chọn Singapore làm mảnh đất khởi nghiệp.
Khởi nghiệp là một trong những thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo. Chưa bao giờ khởi nghiệp được sự quan tâm của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị và có những điều kiện thuận lợi như lúc này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Lối đi hẹp sau cánh cổng rộng
Những câu chuyện của những DN khởi nghiệp trên đất khách là thực tế đưa đến lời bình luận sâu sắc của Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO: “Thực trạng của tự do kinh doanh hiện nay là hình tượng một cánh cổng tự do rất lớn, nhưng phía sau cánh cổng ấy lại một lối đi hẹp”.
Một số DN khởi nghiệp thì bày tỏ với nhà báo rằng họ tin tưởng với ý tưởng của họ nhưng lao vào làm rồi mới thấy “đầy chông gai”, DN bắt đầu hoạt động mới bật ra nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyễn Tất Tùng - sinh năm 1988, Giám đốc một DN ở Hải Dương cho biết: “thực tế cho thấy không phải chỉ có sáng tạo, có ý chí và quyết tâm là làm được những gì muốn làm” vì gặp rất nhiều cản trở. Hùng - một giám đốc trẻ đang đầy nhiệt huyết và đam mê áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ hiện đại nhưng cũng bắt đầu thấy “bức” nói rằng khó cho DN mới, cho giám đốc trẻ là làm sao đáp ứng được các yêu cầu, các điều kiện mà cơ quan nhà nước đang đặt ra một cách vô lý. Giám đốc Nguyễn Đông nói rằng “rủi ro” rất lớn.
Economica chỉ ra rằng đôi lúc tự do kinh doanh bị đặt vào ranh giới nguy hiểm giữa pháp luật hình sự và pháp luật về DN. Lằn ranh giữa hai hệ thống pháp luật này quá mờ nhạt khiến DN đứng trước rủi ro có thể bị quy vi phạm hình sự bất cứ lúc nào. như: Cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng máy tính viễn thông trái phép... Nghịch lý là những việc kinh doanh này không nằm trong nhóm 6 ngành nghề pháp luật DN cấm. Hay chỉ cần đóng thiếu tiền bảo hiểm ở một mức khá đơn giản đã có thể bị đi tù về tội trốn đóng bảo hiểm cho người lao động.
Quyền tự do nghiên cứu sáng tạo cũng là một trong những tiền đề quan trọng để từng người dân, DN phát huy năng lực sáng tạo qua hình thức khởi nghiệp. Nhưng để được sáng tạo phải có giấy phép. Ngay một viện như CIEM để được tham gia đấu thầu một công trình nghiên cứu cũng “phải chạy cho được một giấy phép được nghiên cứu khoa học”, thực tế này đang gò bó sự sáng tạo của lớp trẻ.
Vì thế để khởi nghiệp thực sự là phương thức phát triển như Viện trưởng Thiên nói thì trước hết theo Economica: quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo cần được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ, người khởi nghiệp có quyền được đưa sản phẩm, công trình sáng tạo ra thị trường, thương mại hóa và được bảo vệ bởi hệ thống pháp luật.
“Danh sách ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh bị cấm, hoặc kinh doanh có điều điều kiện, hoặc kinh doanh phải xin phép càng dài đến đâu, biên giới của tự do sáng tạo sẽ càng bị thu hẹp đến đó”, theo TS. Lê Duy Bình.
Bên cạnh đó, giá trị tự do kinh doanh còn bị suy giảm nhiều, có khi còn bị phá huỷ bởi cách hành xử của một bộ phận công chức, viên chức thừa hành nhiệm vụ và nếu cứ có quan điểm trái chiều thì họ diễn giải quy định sao cho phần lợi thế thuộc về các cơ quan hành chính và bất lợi luôn nghiêng về DN.
84% chủ DN khởi nghiệp trong 3 năm gần đây có bằng đại học, 72% chủ DN khởi nghiệp từ 30 tuổi trở lên. “Họ đều mang một khát vọng làm chủ với đam mê tạo ra điều mới mẻ, một số khác thì làm chủ để chủ động về tài chính, một số có thêm mục đích “tự chủ” và tạo nhiều việc làm hơn cho người khác”. TS.Lê Duy Bình, Giám đốc Economica |