Việt Nam - nền kinh tế mới nổi năng động nhất khu vực
Bên trong một trung tâm thương mại với các cửa hàng thời trang cao cấp. Tiêu dùng là một trong những động lực tăng trưởng của Việt Nam. |
Tăng trưởng trung bình 6,2%/năm
Trong các nghiên cứu trên, dựa trên số liệu và dự báo của các tổ chức quốc tế như WB, IMF, Cục Dân số Liên hiệp Qquốc, ASEANstats, UNCTAD, ILO, PwC nhận định: Việt Nam đang là nền kinh tế mới nổi năng động nhất trong khu vực đạt được thành tựu phát triển mạnh mẽ trên ba phương diện: kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhân khẩu học.
Trong đó, GDP của Việt Nam sẽ đạt 327 tỷ USD vào năm 2022, mức tăng trưởng GDP thực tế (real GDP) là 6,2% hàng năm trong giai đoạn 2016-2022, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng dự kiến của nhóm ASEAN 5 nói chung và của Singapore nói riêng.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia ASEAN liên tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực về FDI trong những năm gần đây.
Trong khi đó, chúng ta cũng dẫn đầu về tăng trưởng chi tiêu bình quân đầu người của nhóm thu nhập trung bình trong giai đoạn 2016-2021, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 10,1%. Mức tăng này vượt xa các thị trường ASEAN lớn như Singapore và Malaysia.
Đồng thời về nhân khẩu học, Việt Nam là thị trường lao động lớn thứ 2 trong ASEAN với ước tính khoảng 55 triệu người trong năm 2018.
Nghiên cứu của PwC cũng chỉ ra một số lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn ở Việt Nam, như dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng và cơ sở hạ tầng - giao thông, nhấn mạnh các lĩnh vực này là cơ hội mà các nhà đầu tư có thể tận dụng.
Dịch vụ tài chính nhiều tiềm năng
Về dịch vụ tài chính, PwC cho rằng thị trường này tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng để khai thác, với tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo và tốc độ ứng dụng kỹ thuật số ngày càng tăng.
Với gần 60% trên tổng 100 triệu dân ở dưới độ tuổi 35, bộ phận dân số trong tuổi lao động sẽ tiếp tục mở rộng trong vòng 20 năm tới làm tăng nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng, tài chính tiêu dùng.
Theo đó, các cơ hội đang mở rộng cho dịch vụ tài chính số, bảo hiểm ngân hàng, cho vay tiêu dùng, hợp tác giữa ngân hàng và các tổ chức phi ngân hàng…
Nền tảng vững chắc cho phát triển dịch vụ tài chính là niềm tin người tiêu dùng cao và mức thu nhập hộ gia đình tăng đã góp phần làm tăng tổng chi tiêu tiêu dùng tại Việt Nam.
Trong giai đoạn 2010-2016, thu nhập khả dụng trung bình tăng 46%. Trong khi đó, tổng chi tiêu hộ gia đình được dự đoán sẽ tăng 47% từ năm 2017-2021. Tiêu dùng được đẩy mạnh đặc biệt trong các lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, hàng hóa cao cấp và hàng may mặc.
“Hàng tiêu dùng có tiềm năng lớn để tăng cường thương mại giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, nhờ tận dụng thị trường tiêu dùng rộng lớn và sự gần gũi về địa lý của các nền kinh tế ASEAN”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam nói.
Thách thức hạ tầng
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng là một thách thức thật sự. Hiện tại, Việt Nam chưa đuổi kịp nhiều quốc gia ASEAN về cơ sở hạ tầng giao thông, với mức chi tiêu cho cơ sở hạ tầng bình quân đầu người là 284 USD vào năm 2016.
PwC cho rằng tập trung chi tiêu vào cơ sở hạ tầng giao thông là nhiệm vụ thiết yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam sẽ cần đầu tư 605 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng từ nay đến năm 2040.
Trong đó, bên cạnh những hạ tầng “cứng” rất cần thiết để cải thiện kết nối xuyên biên giới như đường sắt, đường bộ và cảng biển. Ngành dịch vụ tài chính sẽ cung cấp hạ tầng “mềm” để thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư.
“Chúng tôi tin rằng việc phát triển các lĩnh vực này sẽ giúp Việt Nam cải thiện vị thế của mình cũng như khả năng hợp tác trong khu vực”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân chia sẻ.
Đối với nội tại nền kinh tế, Việt Nam, cũng như các nước phát triển trong khu vực, đang đối mặt nhiều vấn đề cần giải quyết, như: quá phụ thuộc vào hoạt động ngoại thương; chính sách tài khóa yếu kém; trong thể chế nhiều khoảng trống; trình độ công nghệ thấp.
PwC tin tưởng Việt Nam tiếp tục duy trì hành trình tăng trưởng, tiếp tục mang đến những triển vọng đầy hứa hẹn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Nhưng để thành công, Việt Nam cần có những biện pháp chủ động hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp sẽ cần hiểu thấu đáo bối cảnh kinh doanh của Việt Nam và xác định được các cơ hội và thách thức đối với sự tăng trưởng...