Vietcombank có gì?
Ảnh minh họa |
Theo BCTC quý I/2017 của Vietcombank, NH này cho thấy đang đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2017 là 15% (thấp hơn mức tối đa 16% mà NHNN cho phép ở NH này). Mặc dù tăng trưởng tín dụng tăng tốc khá nhanh trong quý I và đạt hơn 50% chỉ tiêu đặt ra cho cả năm, Vietcombank cho biết NH sẽ kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng trong kế hoạch đặt ra thay vì điều chỉnh tăng chỉ tiêu này.
Đối với một số nhà phân tích, điều này hàm ý các khoản cho vay trong thời gian còn lại của năm 2017 sẽ được thẩm định chặt chẽ hơn. Ngoài ra, dựa trên mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho nhóm DN lớn là 10% và tăng trưởng tín dụng ở nhóm khách hàng DNNVV và khách hàng cá nhân ở mức lần lượt 30% và 40% so với cùng kỳ, như vậy, nhà đầu tư có thể nhận thấy mục tiêu kiểm soát này của Vietcombank trong năm nay là có thể đạt được.
Bên cạnh đó, NIM của Vietcombank trong ba quý cuối năm có thể giảm nhẹ so với đầu năm do huy động khách hàng sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với cho vay khách hàng.
Về mặt chi phí, mặc dù toàn bộ trái phiếu đặc biệt đã được trích lập trong năm 2016 nhưng chi phí cho dự phòng rủi ro tín dụng chỉ giảm hơn 6% so với cùng kỳ do chính sách phân loại nợ chặt chẽ của ngân hàng.
Ngoài ra, với kế hoạch mở rộng trong năm 2017 (5 chi nhánh và 39 phòng giao dịch trong nước, đồng thời mở rộng sang các thị trường Lào, Úc và Mỹ), rõ ràng chi phí hoạt động cũng sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với tăng trưởng thu nhập hoạt động. Tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập (CIR) theo đó dự báo tăng nhẹ lên 41%.
Ngoài ra, Vietcombank cũng đang tiếp tục kế hoạch tăng vốn nhằm đáp ứng Basel II. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tại thời điểm cuối năm 2016 của Vietcombank đạt 11,13%, cao hơn mức quy định tại Thông tư 36. Tuy vậy, nếu áp dụng các quy định của Thông tư 41 (theo chuẩn mực Basel II) thì CAR chỉ đạt 6-7%, thấp hơn mức yêu cầu tối thiểu 8%.
Do vậy, ngân hàng này đang theo đuổi kế hoạch tăng vốn trong năm 2017-2018 nhằm đạt CAR (áp dụng chuẩn Basel II) ở mức 9%. Phương án phát hành trái phiếu dài hạn 5.000 tỷ đồng trong năm 2017 của Vietcombank đã được NHNN phê duyệt. Tuy vậy, phương án này sẽ chỉ được thực hiện trong trường hợp việc phát hành cổ phiếu không thành công.
Đối với phương án phát hành cổ phiếu, tổng mức phát hành dự kiến là xấp xỉ 359,78 triệu cổ phiếu (tương đương 10% vốn điều lệ hiện tại của NH). Vietcombank có thể phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành riêng lẻ cho NĐT tài chính hoặc đối tác chiến lược.
Về mức giá phát hành, thay cho mức giá chiết khấu so với giá thị trường thì mức giá theo phương án chào bán mới sẽ không thấp hơn giá trị định giá của bên thứ ba có cung cấp dịch vụ định giá và giá đóng cửa của phiên giao dịch liền trước ngày phát hành. Là đối tác chiến lược hiện tại, cổ đông Mizuho Bank, cũng sẽ tham gia đợt phát hành nhằm đảm bảo tỷ lệ sở hữu 15%. Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước (trường hợp phát hành thành công) sẽ giảm từ mức hơn 77,1% hiện tại về còn hơn 70,1%.
Như vậy, có thể nói việc Vietcombank đặt kế hoạch LNTT năm 2017 là 9.200 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ) là có thể đạt được, thậm chí Vietcombank có khả năng sẽ vượt kế hoạch LNTT cả năm khoảng 4%. Với các chuyên viên phân tích, họ sử dụng mức định giá tương đối (PE và PB) cho Vietcombank cao hơn mức bình quân chung của ngành, do vị thế dẫn dắt cũng như việc quản lý chất lượng tài sản luôn được ưu tiên hàng đầu.
Tuy vậy, mức trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi tăng đã khiến EPS bị ảnh hưởng. Do đó, nhà đầu tư cũng cần phải cân nhắc khi đầu tư vào Vietcombank trong giai đoạn sắp tới để không bị hụt hẫng với những kế hoạch mà NH này đặt ra..