Vốn nào cho DN khởi nghiệp?
Vốn khởi nghiệp, bài toán thực sự khó | |
Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp | |
Gia tăng nội lực cho DN khởi nghiệp |
TS. Cấn Văn Lực |
Trong những năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp đã và đang phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng DN và thế hệ trẻ Việt Nam. Ngay từ đầu năm Chính phủ ban hành tới hai Nghị quyết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN, trong đó có DN khởi nghiệp phát triển. Tuy nhiên, cũng như nhiều DN khác, vốn là vấn đề quan trọng đối với DN khởi nghiệp.
Vậy đâu là nguồn vốn phù hợp cho DN khởi nghiệp? Phóng viên Thời báo Ngân hàng có cuộc trao đổi ngắn với chuyên gia NH TS. Cấn Văn Lực về vấn đề này.
Theo ông, đâu là nguồn vốn phù hợp đối với DN khởi nghiệp?
Tôi cho rằng, có khá nhiều nguồn vốn cho DN khởi nghiệp. Cụ thể, nguồn vốn ngân sách Nhà nước nhưng chỉ nên xem là vốn mồi. Còn cơ bản là vốn từ các quỹ: quỹ đầu tư, quỹ khởi nghiệp, quỹ mạo hiểm và vốn từ hệ thống NHTM. Nhưng vốn từ NH chỉ nên chiếm một phần nào đó thôi. Một kênh huy động nữa vừa được chỉ đạo đó là sàn chứng khoán riêng cho khởi nghiệp. Tất nhiên sàn đó tiêu chuẩn thấp chỉ tương đương với sàn Upcom. Đấy là một hướng đi khá tốt nhưng cần tiếp tục nghiên cứu. Ngoài ra, còn có thể huy động từ vốn ở nước ngoài…
Nhưng thưa ông phương án thu hút đầu tư nước ngoài của DN khởi nghiệp liệu có khả thi?
Thực ra một số nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đầu tư lĩnh vực mạo hiểm nhưng quan trọng nhất là DN phải rõ ràng, minh bạch hơn. Để khi nhà đầu tư muốn thoái vốn họ không gặp quá nhiều khó khăn, rắc rối. Vốn nước ngoài có thể đến từ cấu phần nào đấy từ các khoản vay ODA…
Cuối tháng 3 vừa rồi, Công ty cổ phần FPT và Quỹ đầu tư dài hạn Dragon Capital Group đã ký thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA). VIISA sẽ là một quỹ mở, có sự tham gia của nhiều DN lớn, quỹ đầu tư, trong đó FPT và Dragon Capital Group là hai nhà sáng lập đầu tiên. Mục đích của quỹ là đào tạo, đầu tư, hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tài chính… Tôi nghĩ đây là quỹ khá hay, tính khả thi cao.
Nhưng DN khởi nghiệp thường cần nhiều vốn?
Cũng tuỳ, không phải lĩnh vực nào cũng cần đầu tư nhiều tiền. Ví như, lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới cần nhiều tiền để đầu tư máy móc thiết bị. Còn DN khởi nghiệp lĩnh vực tư vấn thì lại không cần nhiều tiền. Tôi được biết, hiện nay giới trẻ có nhiều dự án khởi nghiệp gắn với CNTT không đòi hỏi đầu tư tiền của quá nhiều. Xu hướng này diễn ra nhiều nơi trên thế giới.
Tất nhiên, đầu tư cho vay DN khởi nghiệp nói chung cũng có nhiều rủi ro, vì các DN này chưa có nhiều kinh nghiệm, các dự án thuộc các lĩnh vực mới mẻ nên xác suất không thành công cũng sẽ xảy ra. Nhưng nếu thành công thì tỷ suất sinh lời lại khá là cao
Quỹ hỗ trợ DN khởi nghiệp vừa được thành lập. Liệu chúng ta có thể kỳ vọng gì khi mà đã có khá nhiều quỹ tương tự nhưng hiện hoạt động kém hiệu quả?
Quỹ Hỗ trợ DN khởi nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Tôi thấy cơ chế hỗ trợ của quỹ khá rõ, vấn đề là triển khai thực hiện như thế nào để nguồn vốn đến đúng đối tượng.
Tôi lưu ý một số vấn đề trong quá trình triển khai như trình tự thủ tục không quá phức tạp, liên quan đến tiêu chí hỗ trợ vốn xác định rõ phía chủ DN sẽ tham gia bao nhiêu phần trăm còn lại bao nhiêu phần trăm hỗ trợ từ quỹ.
Hay như đối với vấn đề thẩm định dự án, nếu những dự án có khả thi mà cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc cán bộ địa phương không đủ năng lực thẩm định có thể ủy quyền khâu liên quan thẩm định cho một TCTD. Và TCTD có thể cung cấp vốn đối ứng mà dự án còn thiếu…
Theo ông, cần có giải pháp gì để phát triển DN khởi nghiệp không chỉ là hô hào?
Tôi cho rằng, đầu tiên phải ban hành ngay hành lang pháp lý liên quan đến tiêu chí, lĩnh vực, quy trình, trách nhiệm, giám sát. Thứ hai là cần phải có sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan như NH với các quỹ, các bộ ngành… trong việc xác nhận lĩnh vực ưu tiên đảm bảo đúng đối tượng. Sau đó yêu cầu phải triển khai ngay chứ không phải xác nhận xong rồi để đấy. Quan trọng nữa là phải tính toán nguồn vốn cho quỹ này, trong đó xác định, vốn nhà nước chỉ là vốn mồi.
Xin cảm ơn ông!