Vốn khởi nghiệp, bài toán thực sự khó
Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp | |
Gia tăng nội lực cho DN khởi nghiệp |
Bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm đề án Thương mại hóa Công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam cho biết, tại Việt Nam việc huy động vốn đối với những DN quy mô trung bình lớn, đã có thời gian hoạt động nhất định trên thương trường và kết quả kinh doanh ổn định là tương đối dễ dàng.
Nhưng ngược lại, với các DNNVV, DN vừa mới khởi nghiệp thì việc kêu gọi vốn để tài trợ dự án, phát triển kế hoạch kinh doanh là rất khó khăn. Giả sử một tổ chức tài chính, hay ngân hàng có kế hoạch rót 2 tỷ đồng cho một dự án kinh doanh trong thời gian 5 năm, và có hai phương án lựa chọn.
Phương án thứ nhất, dự án chỉ có 10% cơ hội thành công, nhưng nếu thành công sẽ tạo ra 200 tỷ đồng (thu về lợi nhuận gấp 100 lần số vốn ban đầu bỏ ra). Phương án hai, sẽ có đến 90% thành công, nhưng chỉ có thể thu về tối đa 4 tỷ đồng lợi nhuận (gấp 2 lần số vốn bỏ ra đầu tư).
Cần thu hút nhà đầu tư tư nhân tại Việt Nam vào các dự án khởi nghiệp |
Thực tế, đa phần các nhà đầu tư, thậm chí ngay cả những người có ý định khởi nghiệp kinh doanh sẽ lựa chọn phương án thứ hai để bảo đảm an toàn, cho dù tỷ suất sinh lời và giá trị cơ hội mà phương án đầu tư đem lại là rất lớn.
Từ ví dụ này, bà Lê Anh cho rằng việc kêu gọi, thu hút vốn cho những DN khởi nghiệp, những ý tưởng vừa mới ra đời, mang tính chất mạo hiểm là rất khó khăn và cần cả quá trình để thay đổi tư duy, cách nghĩ.
Bàn về vấn đề này, ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc điều hành Tập đoàn IDG Đông Nam Á chỉ ra rằng, những lợi thế mà các nhà đầu tư chưa thực sự nhìn thấy tiềm năng to lớn từ các DN, dự án khởi nghiệp, đó là chúng sẽ mở ra cơ hội việc làm cho những người trẻ, có tri thức cao, tạo nhiều lựa chọn cho tầng lớp thanh niên, sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các DN khởi nghiệp của Việt Nam nhanh chóng tham gia vào những hoạt động đầu tư, kinh doanh mang tính toàn cầu.
Để minh chứng cho vấn đề này, ông Tâm nói: “Một cửa hàng quần áo hay một quán cà phê sẽ khó có thể tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người có tri thức cao, bởi mô hình kinh doanh này không đạt được quy mô cần thiết và không đòi hỏi trình độ lao động kỹ thuật cao. Nhưng một startup công nghệ như Google, thì đã phát triển từ 20 người vào năm 2000, đến nay đạt quy mô 60.000 kỹ sư công nghệ cao. Đặt lên bàn cân so sánh thì năm 2015, tổng GDP của Việt Nam đạt 4.193 nghìn tỷ đồng, còn doanh thu của Google trong năm này đã đạt đến con số 1.681 nghìn tỷ đồng, tương đương 50% GDP của Việt Nam. Điều này cho thấy giá trị to lớn mà một startup có thể thu về cho chính DN mình và đóng góp vào nền kinh tế đất nước”.
Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra cho thấy dù startup là công cụ để tạo ra bước đột phá, cũng như có tiềm năng tạo ra siêu lợi nhuận cho nhà đầu tư nhưng vẫn gặp khó khăn khi kêu gọi vốn.
Từ trước đến nay, thông thường một DN khi bắt đầu mới khởi nghiệp muốn có đủ nguồn lực, thì trước tiên bao giờ cũng trông chờ vào các kênh huy động vốn truyền thống như vay vốn từ gia đình, người thân, bạn bè, tìm đến các TCTD. Gần đây, một số quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước cũng đã bắt đầu có sự quan tâm hơn đến DN khởi nghiệp, nhưng các dự án và DN được rót vốn chưa thực sự nhiều.
Ngoài ra, còn phải kể đến sự xuất hiện của các kênh vốn mới nổi như “Nhà đầu tư thiên thần”, “Quỹ đầu tư vốn mồi”... đã tồn tại khá phổ biến ở nhiều quốc gia khác, nhưng tại Việt Nam vẫn chưa phát triển. Và nhìn chung, ngay cả đối với kênh huy động vốn truyền thống cho khởi nghiệp, thì việc tiếp cận vẫn còn đang rất khó khăn.
Hiện tại, Việt Nam mới chỉ duy nhất một quỹ cho vay vốn khởi nghiệp với quy mô 30 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2020 tổng số sẽ kỳ vọng đạt đến con số 100 tỷ đồng, con số được cho còn khá khiêm tốn đối với cộng đồng DN khởi nghiệp tại Việt Nam.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, muốn tập trung phát triển startup trở thành đòn bẩy kinh tế, ngoài việc Chính phủ tham gia đầu tư trực tiếp để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng, thì quan trọng là cần có hành lang pháp lý và cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích tư nhân tham gia, cũng như có sàn giao dịch để người mua, người bán những ý tưởng, phương án kinh doanh một cách dễ dàng, thuận tiện và tạo khả năng thoái vốn cho nhà đầu tư. Từ đó, sẽ mở ra những cơ hội cho startup phát triển.