Vốn ngân hàng đóng góp lớn vào sự phát triển của tam nông
Bệ đỡ vững chắc cho nền nông nghiệp hữu cơ | |
Sẽ có cuộc cách mạng mới đối với tam nông | |
Sẽ tiếp tục ban hành Nghị quyết Trung ương về tam nông |
TS. Đặng Kim Sơn |
Theo đánh giá của TS. Đặng Kim Sơn - chuyên gia chính sách nông nghiệp, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông thôn, nông dân (tam nông) đã tạo bước phát triển vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng những năm gần đây xuất khẩu trong ngành nông nghiệp đã có đà hồi phục tốt. Xuất khẩu nông sản rất tốt và có lẽ đây là ngành duy nhất xuất siêu liên tục như vậy. Bộ mặt nông thôn hoàn toàn khởi sắc qua các chương trình nông thôn mới từ mô hình cánh đồng lớn, cơ giới hoá trên đồng ruộng, đường sá khang trang đến tận thôn xóm. Thu nhập người nông dân tăng, xoá đói giảm nghèo tốt…
Ông đánh giá vai trò nguồn vốn tín dụng ngân hàng đối với sự lớn mạnh của khu vực “tam nông” trong 10 năm qua?
Thời gian vừa qua, hệ thống ngân hàng có đóng góp rất mạnh đối với sự phát triển khu vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội luôn đồng hành, hỗ trợ vốn cho khu vực này. Ngoài ra các ngân hàng khác cũng tham gia tích cực hơn trong quá trình cho nông dân vay vốn phục vụ sản xuất. Điều đó cũng góp phần quan trọng đẩy lùi tệ tín dụng đen tại khu vực nông thôn. Tuy nhiên, so với tiềm năng của nông nghiệp, ngân hàng vẫn còn cơ hội để mở rộng tín dụng.
Theo ông có phải vì lĩnh vực này rủi ro cao, trong khi bảo hiểm nông nghiệp chậm phát triển khiến cho ngân hàng, DN vẫn thận trọng khi đầu tư vào lĩnh vực này?
Ai cũng biết là nông nghiệp là ngành rủi ro cao nhất, nguy cơ về thiên tai dịch bệnh thị trường hết sức lớn đối với người nông dân. Chính vì thế các ngân hàng vẫn còn ngần ngại cho nông dân vay. Đặc biệt, đối với hộ nông dân trồng cây ăn trái, nuôi trồng thuỷ sản với quy mô lớn. Không may một lần mất có thể mất hàng tỷ đồng, kéo theo nguy cơ nợ xấu, mất vốn ngân hàng cũng tăng theo.
Vì vậy, muốn để cho nông dân yên tâm sản xuất, ngân hàng yên tâm đầu tư, DN sẵn sàng hợp tác với nông dân chúng ta cần phải phát triển bảo hiểm nông nghiệp. Đáng tiếc là cho đến nay bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn đang ở mức độ thử nghiệm. Việc thử nghiệm diễn ra ở một số mặt hàng, địa bàn… và kết quả thử nghiệm vẫn chưa được tổng kết để đủ cơ sở xây dựng thành cơ chế chính sách.
Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, làm tốt chính sách bảo hiểm nông nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững. Ở các nước, các tập đoàn tài chính lớn đứng ra thực hiện bảo hiểm nông nghiệp thậm chí các tập đoàn này còn bảo hiểm lẫn nhau, gắn với bảo hiểm toàn xã hội để chia sẻ bớt rủi ro.
Điểm hết sức quan trọng nữa, bảo hiểm phải gắn với khoa học để có những căn cứ tính toán một cách rất chắc chắn về những rủi ro có thể xảy ra và chia đều nó ra. Trong khi ở Việt Nam, hiện mới giao chính sách bảo hiểm nông nghiệp cho công ty cỡ vừa và nhỏ chuyên về bảo hiểm nên chưa đủ sức để triển khai chính sách lớn và quan trọng như vậy.
Vì vậy, trong thời gian tới, cần phải quan tâm, chú ý đúng mức đối với chính sách bảo hiểm khu vực nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Đơn cử, liên kết với tập đoàn tài chính mạnh, gắn bó với hoạt động nghiên cứu khoa học thiết thực.
Một lý do nữa khiến các ngân hàng vẫn ngần ngại là vấn đề tài sản đảm bảo. Vậy ông có lời khuyên nào để hóa giải khó khăn này?
Tôi nghĩ là ngân hàng không nên quá chặt chẽ đối với yêu cầu tài sản thế chấp mà tích cực cho vay tín chấp hơn, cho vay theo giá trị thế chấp. Tốt nhất ngân hàng nên coi mình như là nhà đầu tư cùng ngồi lại với nông dân xây dựng phương án đầu tư, tính toán mục tiêu rủi ro và chia sẻ rủi ro, lợi nhuận với nông dân.
Cách hai là ngân hàng kết hợp với cộng đồng gắn bó với các tổ chức của nông dân để biết ai là người làm ăn giỏi đáng tin cậy, ai là người không đáng tin cậy và cách thức liên kết chéo để cộng đồng cùng chịu trách nhiệm. Qua đó, ngân hàng tin cậy giao tiền cho họ mà không phải yêu cầu thế chấp. Nếu làm được theo hai cách này, theo tôi, ngân hàng thực sự có một thị trường mênh mông để đầu tư và tín dụng nông nghiệp nông thôn sẽ phát triển nhanh, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!