Sẽ tiếp tục ban hành Nghị quyết Trung ương về tam nông
Tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, cho biết sau khi Nghị quyết được ban hành, Chính phủ đã có chương trình hành động gồm 3 chương trình mục tiêu quốc gia, 9 đề án quy hoạch và 36 đề án chuyên ngành.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết "tam nông" |
Một số mục tiêu có thể không đạt
Việc đưa Nghị quyết vào triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả mang tính đột phá, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện Nghị quyết vẫn còn những tồn tại, yếu kém. Đến năm 2020, một số mục tiêu do Nghị quyết đề ra có khả năng không đạt nếu không có những giải pháp đột phá và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời.
Cụ thể, nền nông nghiệp vẫn chưa khắc phục được những yếu kém nội tại, kinh tế nông thôn phát triển không đồng đều, thiếu ổn định. Nghị quyết đặt mục tiêu tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp đạt bình quân 3,5-4%/năm, nhưng kết quả phát triển nông nghiệp vẫn chưa bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc (tốc độ tăng bình quân các năm qua là 2,66%/năm).
Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến hết năm 2017, lao động nông nghiệp vẫn chiếm 40,2% trong tổng số lao động xã hội.
Kinh tế hộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn (53,9% tổng số hộ ở nông thôn), canh tác quy mô nhỏ, manh mún. Các ngành công nghiệp và dịch vụ phát triển chưa đủ mạnh để thúc đẩy khu vực nông nghiệp chuyển dịch nhanh hơn. Vẫn có tới 20% lượng phân bón, 70% máy móc, thiết bị, thuốc thú ý... phải nhập khẩu.
Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển do đầu tư cho nông nghiệp còn khá thấp. Trong khi nông nghiệp đóng góp 17% GDP, 25% giá trị xuất khẩu, 70% dân số sống ở nông thôn nhưng chỉ thu hút được 5% vốn đầu tư toàn xã hội.
Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân dù đã cải thiện nhưng vẫn còn thấp. Nhìn lại 10 năm, thu nhập của người dân nông thôn đã tăng 3,49 lần. Năm 2008 thu nhập bình quân là 9,15 triệu đồng thì đến năm 2017 đã đạt 32 triệu đồng/người/năm, nhưng cũng chỉ mới bằng 78% bình quân chung cả nước.
Kết quả giảm nghèo cũng chưa bền vững, nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao trên 30%. Xây dựng đời sống văn hóa, xã hội còn nhiều hạn chế, phát sinh nhiều vấn đề bức xúc…
Hội nghị đã đánh giá về hiện trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta hiện nay, chỉ ra các nút thắt và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp. Trọng tâm là các giải pháp về cơ chế, chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất phát triển nông nghiệp và phát huy nguồn lực đất đai trong xây dựng nông thôn mới; tổ chức lại sản xuất, phát triển, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ cao, phát triển nền nông nghiệp thông minh…
Đẩy mạnh vấn đề thị trường, tư duy thị trường
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng lưu ý chúng ta đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi mà tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Chiến tranh thương mại, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt...
Nhấn mạnh vấn đề đầu tiên là phải khắc phục những yếu kém nội tại của nền sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng nói “phải khắc phục thực trạng sản xuất nhỏ lẻ manh mún”. Bởi nếu không nâng cao năng suất, chất lượng, chú trọng bảo vệ và giữ gìn uy tín nông sản Việt Nam trên trường quốc tế thì chính chúng ta tự làm khó mình.
Thủ tướng cũng chỉ ra những giải pháp cho thời gian tới hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sạch, an toàn và hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao. Tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định của dân cư nông thôn.
“Tinh thần là phải thay đổi tư duy, cách làm. Phải đẩy mạnh hơn nữa vấn đề thị trường và tư duy thị trường”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng và Trưởng ban Kinh tế Trung ương tham quan các gian hàng tại Triển lãm quốc gia giới thiệu thành tựu phát triển nông nghiệp, nông thôn |
Tại Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu: Thực tiễn đặt ra yêu cầu giai đoạn đến năm 2030, khi nước ta kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, tầm nhìn đến năm 2045, thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, chúng ta cần có một Nghị quyết mới của Đảng để lãnh đạo về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta.
Trưởng ban cho biết mục tiêu quan trọng nhất của Hội nghị này là cung cấp thêm luận cứ để hoàn thiện Báo cáo tổng kết sớm trình Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết của Đảng về tam nông.
Đây cũng là một cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội, để đời sống của bà con nông dân ngày càng ấm no, sung túc hơn…
Thủ tướng trong bài phát biểu của mình cũng bày tỏ tin tưởng với các chính sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng đã và đang thực hiện, nông nghiệp sẽ chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian tới, và Việt Nam sẽ trở thành một nước có nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.
Nông thôn Việt Nam sẽ ngày càng văn minh, hiện đại, thân thiện và đáng sống hơn. Nông dân Việt Nam sẽ có vị trí xứng đáng với đóng góp của mình.