Vốn ngân hàng tạo dựng nông nghiệp bền vững
Agribank hỗ trợ xây dựng nông thôn mới | |
Agribank tiếp sức ngư dân vươn khơi bám biển | |
Vốn sẽ tiếp tục chảy mạnh vào vựa lúa |
Trên địa bàn huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) có khoảng 11.500 hộ nông dân, thì năm 2015 có tới hơn 2.500 hộ (chiếm tỷ lệ 22,4%) đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Điều đặc biệt là đa số hộ sản xuất kinh doanh giỏi trong số này đều làm giàu lên từ vốn vay tại Agribank Mường Khương.
Agribank Lào Cai luôn đi đầu trong các lĩnh vực nông nghiệp bền vững, công nghệ cao của tỉnh |
Huyện vùng cao có nhiều nông dân giỏi
Ông Ngô Mạnh Thắng, Giám đốc Agribank Mường Khương đã giới thiệu nhiều gương điển hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp đang có quan hệ tín dụng với Agribank. Như gia đình ông Làn Mậu Thành (thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương) vay vốn trồng quýt, thu nhập 300 triệu đồng/năm; ông Thào Diu (thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu) vay vốn trồng dứa, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; ông Nguyễn Trọng Hoạt (xã Bản Xen) vay vốn nuôi cá, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; ông Sùng A Sẩu (xã Bản Lầu) vay vốn thu mua, bao tiêu hàng nông sản với thu nhập trên 300 triệu đồng/năm...
Chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu với nông dân, ông Ngô Mạnh Thắng cho biết: Trong đầu tư tín dụng, Agribank Mường Khương đã bám sát vào các mục tiêu phát triển kinh tế, chương trình, đề án của tỉnh và huyện theo từng giai đoạn. Bên cạnh đó, mở rộng đối tượng vay tới từng thành phần kinh tế, đảm bảo kế hoạch cho vay đến từng nhóm khách hàng, cân đối tỷ lệ giữa cho vay ngắn, trung và dài hạn hợp lý.
Quan trọng nhất, vì là ngân hàng của nhà nông nên Agribank luôn ưu tiên cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình theo hướng phát triển mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, phát triển các dịch vụ ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trong nông thôn. Mỗi hộ nông dân giàu lên nhờ nông nghiệp đã kéo theo kinh tế của cả huyện Mường Khương khởi sắc, cũng tạo đà cho tăng trưởng tín dụng của Agribank năm sau cao hơn năm trước.
Doanh số cho vay giai đoạn 2010 – 2015 đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 35%/năm; tổng dư nợ tăng 3,6 lần so với năm 2010, trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 95%, với trên 4.800 hộ vay vốn. Đến nay, vốn tín dụng đã đầu tư đến toàn bộ 16 xã, thị trấn trong huyện.
Do đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn, đến nay toàn huyện đã xây dựng được các vùng chuyên canh như vùng sản xuất chè tập trung 2.290 ha, sản lượng 7.800 tấn chè búp tươi; vùng cây ăn quả như dứa 700 ha, sản lượng 12.500 tấn, quýt 217 ha, sản lượng 450 tấn, chuối 493 ha, sản lượng 8.360 tấn; vùng thâm canh thủy sản tại các xã vùng thấp 86 ha...
Dòng chảy tín dụng từ Agribank đã mở rộng đầu tư đúng hướng, qua đó góp phần tích cực vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương và xây dựng nông thôn mới. 5 năm qua (2011 – 2015) huyện đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10%/năm; đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo giảm ấn tượng từ mức 55,52% năm 2011, xuống còn 22% năm 2015. Đây là bước chuyển biến đáng khích lệ đối với một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Mường Khương.
Kéo cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch tích cực
Nhìn rộng ra thì không chỉ riêng huyện Mường Khương, cả tỉnh Lào Cai hiện nay vẫn được đánh giá là có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thiếu các nguồn lực cho phát triển. Vì vậy, ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, lãnh đạo UBND tỉnh cũng như nhân dân Lào Cai đặt nhiều kỳ vọng vào sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng trên địa bàn.
Dự án trồng cây dược liệu ở Si Ma Cai được Agribank đầu tư vốn |
Đáng mừng là, theo ông Phong cơ cấu kinh tế nội ngành của Lào Cai đang có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng trồng trọt giảm dần, tỷ trọng chăn nuôi tăng. Hiện nay chăn nuôi đại gia súc phát triển, sản lượng thịt hơi bình quân tăng 17%/năm. Bước đầu tỉnh cũng đã khai thác những ưu thế về mặt nước, khí hậu để phát triển thuỷ sản đa dạng. Trong điều kiện tự nhiên không tạo nhiều ưu thế cho sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn, người nông dân lại càng phải tận dụng những điều kiện đặc thù trên địa bàn để tạo thành lợi thế riêng.
Trong những bước chuyển dịch tích cực của ngành Nông nghiệp tỉnh Lào Cai, đồng vốn của Agribank luôn đóng vai trò dắt lối. 6 tháng đầu năm 2016, doanh số cho vay của Agribank Lào Cai đã đạt 9.880 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Để đáp ứng nhu cầu bung ra làm kinh tế của bà con, trong 6 tháng chi nhánh đã sử dụng khoảng 3.800 tỷ đồng vốn từ trung ương, bằng 2 lần so với cùng kỳ. Tổng dư nợ ước đạt 11.150 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ đã đạt 102% kế hoạch quý II/2016.
Bên cạnh đó, cơ cấu dư nợ cũng được chuyển dịch theo hướng tích cực. Dư nợ hộ gia đình, cá nhân ước đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 36% so cùng kỳ, với trên 43.000 hộ còn dư nợ. Đặc biệt, dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 4.550 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ, do đã tập trung khảo sát mở rộng cho vay kinh tế hộ.
Riêng với lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn, doanh số cho vay từ đầu năm 2016 đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 80% tổng dư nợ. Đặc biệt, Agribank luôn đi đầu trong các lĩnh vực nông nghiệp bền vững, công nghệ cao, để chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp của cả tỉnh. Như dự án chăn nuôi đại gia súc tại huyện Si Ma Cai đã cho vay được 163 hộ tại 2 xã, với số dư nợ 15,3 tỷ đồng. Hay dự án cacbon thấp hiện đã cho vay được 144 hộ, tại xã Bảo Yên, huyện Mường Khương...
Nhờ chú trọng tới chất lượng tín dụng nên nợ xấu trong kinh tế hộ nông nghiệp của Agribank Lào Cai trong 6 tháng đầu năm rất thấp.
Đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng trong 6 tháng đầu năm, song ông Phạm Tiến Trình, Giám đốc Agribank Lào Cai cho biết, NH vẫn rất trăn trở với các giải pháp để đạt mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2016. Theo đó, mục tiêu đặt ra là nguồn vốn huy động đạt khoảng 8.100 – 8.200 tỷ đồng, tăng từ 12 – 13% so với năm 2015; tổng dư nợ đạt từ 11.800 – 12.000 tỷ đồng, tăng 20% so năm 2015, riêng dư nợ trung, dài hạn đạt khoảng 4.900 – 5.000 tỷ đồng, chiếm 42% tổng dư nợ, tăng khoảng 900 tỷ đồng so với năm 2015.
Để đạt được những mục tiêu đã đặt ra, ông Phạm Tiến Trình chia sẻ, Agribank Lào Cai xác định phải chủ động nghiên cứu, đánh giá, nhận định sát thực tiễn tình hình cơ chế chính sách, thị trường, địa bàn, để chủ động điều hành linh hoạt mục tiêu kế hoạch kinh doanh. Riêng công tác nguồn vốn được Agribank đặc biệt chú trọng nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn sản xuất của bà con.
Theo đó, giải pháp được đặt ra là hàng quý phát hành các đợt huy động tiết kiệm dự thưởng, làm tốt việc phục vụ các nhu cầu giao dịch của khách hàng để tăng cường huy động vốn và tăng doanh thu; đồng thời đề nghị trung ương tiếp tục hỗ trợ các kênh vốn để cho vay thực hiện kế hoạch dư nợ…
Đối với công tác tín dụng, tiếp tục hoàn thiện việc khảo sát nhu cầu vay vốn các hộ sản xuất kinh doanh giỏi, hộ trang trại, DN, phân tích tài chính, trình duyệt hạn mức tín dụng…; triển khai mạnh việc khảo sát nhu cầu vốn và cho vay theo Nghị định 55, Nghị định 75 trong phạm vi toàn tỉnh; tiếp cận và cho vay các dự án trọng điểm tại Si Ma Cai, Bảo Yên, Bảo Thắng, Mường Khương…
Để hiểu và phối hợp tốt hơn với khách hàng, Agribank cũng cùng với ngành Nông nghiệp tỉnh Lào Cai, Hội Nông dân tỉnh triển khai các hội nghị đối thoại chính sách đến với bà con nông dân tại các huyện, thành phố trong tỉnh.
Xác định cho vay nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, Agribank Lào Cai đã nỗ lực tìm các giải pháp phù hợp để đẩy mạnh cho vay đến hộ nông dân trên địa bàn tỉnh miền núi, vùng cao. Một trong các giải pháp hữu hiệu đã được triển khai thực hiện trong suốt những năm qua đó là phối hợp với các ngành để thiết lập cho vay qua tổ nhóm. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 842 tổ, với trên 19.000 hộ vay qua tổ nhóm tại 103 xã, thị trấn với dư nợ 1.410 tỷ đồng, riêng cho vay qua tổ nhóm với Hội Nông dân chiếm 65%. Dư nợ cho vay qua tổ nhóm tại các huyện đạt kết quả cao như huyện Bảo Thắng dư nợ 470 tỷ đồng, huyện Bảo Yên dư nợ 370 tỷ đồng, huyện Bắc Hà và Si Ma Cai dư nợ 220 tỷ đồng, huyện Bát Xát dư nợ 150 tỷ đồng... |