Vốn ngoại vẫn kỳ vọng ở Việt Nam
Cổ phần hóa DNNN: Thách thức thu hút vốn ngoại | |
Vốn ngoại và những nét chấm phá |
Cũng theo khảo sát trên, năm 2015 có 11,3% DN FDI cho biết đã tăng đầu tư và 62,4% DN tuyển thêm lao động mới. Mặc dù thấp hơn số liệu điều tra năm 2014, song những con số này vẫn cho thấy những cải thiện lớn hơn so với giai đoạn đầu tư ảm đạm năm 2012-2013.
Nhưng mặt khác, số liệu cũng cho thấy doanh thu của DN FDI đã giảm đáng kể khi so với năm trước, số DN kinh doanh có lãi ít hơn (55%), DN báo lỗ nhiều hơn (37,8%).
DN Hồng Kông đánh giá cao thế mạnh sản xuất hàng gia dụng, thực phẩm, điện tử… của DN Việt |
Sự bất cân xứng giữa triển vọng mở rộng sản xuất kinh doanh với hiệu quả hoạt động thực tế nêu trên cho thấy, DN FDI đã phải “gồng mình” như thế nào trong những năm qua. Nhưng đồng thời, nó cũng chỉ báo rằng các DN FDI đã nhận thấy những dấu hiệu ấm lên của nền kinh tế, và họ đang tiến hành những chuẩn bị nhân lực và vật lực để tận dụng những cơ hội sắp tới một cách tốt nhất có thể. Khi đánh giá triển vọng kinh doanh trong tương lai, gần 50% DN cho biết có ý định mở rộng sản xuất kinh doanh.
TS. Michael A. Trueblood, Giám đốc Phát triển kinh tế và Quản trị Nhà nước, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) khẳng định lại, mức độ lạc quan của DN FDI tại Việt Nam hiện nay là tương đối cao. Ông cho biết, Việt Nam tiếp tục được đánh giá tích cực so với các quốc gia cạnh tranh về sự ổn định của chính sách, mức độ rủi ro bị thu hồi tài sản thấp, khả năng tham gia của DN nước ngoài vào quá trình hoạch định chính sách cao, và các mức thuế hợp lý.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn kém hấp dẫn về chi phí không chính thức, gánh nặng quy định, chất lượng của cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ công như y tế, giáo dục. Riêng về cơ sở hạ tầng, mặc dù rất nỗ lực cải thiện bằng việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, song cho tới nay các NĐT nước ngoài đánh giá chất lượng hạ tầng của Việt Nam chỉ tương đương Campuchia và Lào. Trong khi đó, gánh nặng về quy định vẫn rất lớn, trên 70% DN FDI cho biết họ phải sử dụng hơn 5% thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính.
Đáng chú ý là theo ghi nhận của các NĐT nước ngoài, có 2 loại rủi ro chính khiến họ quan ngại. Đó là rủi ro về kinh tế vĩ mô, và những thay đổi trong quy định pháp luật hoặc thuế khiến lợi nhuận của họ có thể giảm sút. Trong đó, gần 80% NĐT nước ngoài đã chọn sự bất ổn kinh tế vĩ mô là một trong ba mối quan tâm lớn nhất của họ. 49% các NĐT nước ngoài cho rằng sự bất ổn kinh tế vĩ mô là rủi ro chính mà họ gặp phải khi đầu tư tại Việt Nam. 36% xếp hạng đây là rủi ro số một.
Kết quả này có thể nói là khá bất ngờ, khi đã tái hiện lại mối lo ngại vốn đã tồn tại khá lâu ở Việt Nam, kể từ cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới mấy năm về trước đã tác động đến trong nước. Mặc dù những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách rất nhất quán với đường lối ổn định vĩ mô và được ghi nhận đã có thành công, song trong mắt NĐT nước ngoài có vẻ thực tế vẫn chưa đủ sức thuyết phục.
Rủi ro khác mà NĐT nước ngoài quan ngại liên quan tới những thay đổi về quy định pháp luật hoặc thuế khiến lợi nhuận của NĐT bị giảm sút. Vấn đề này ngày càng nghiêm trọng kể từ năm 2014. Nguyên nhân chính của những quan ngại này không đến từ các yêu cầu khi gia nhập thị trường, mà từ chính sách gánh nặng quy định khi vận hành DN và các cuộc thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý.
Mặc dù số lần DN bị thanh tra trung bình là tương đối thấp theo tiêu chuẩn quốc tế, khoảng 2 lần/DN/năm. Song vẫn còn một lượng nhỏ DN FDI bị sách nhiễu với trên 10 lần thanh tra/DN/năm. Vấn đề này khiến nhiều DN FDI tại Việt Nam hiện hoạt động trong tình trạng cảnh giác, dè chừng.
Trên thực tế, việc Việt Nam bị các NĐT nước ngoài đánh giá kém ở tiêu chí rủi ro chính sách cũng là điều đáng ngạc nhiên khi cơ quan quản lý đã có rất nhiều nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính và thủ tục đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, theo một NĐT nước ngoài, chi phí gia nhập thị trường hiện nay đã không còn là mối lo ngại lớn của các NĐT tại Việt Nam nữa. Bởi sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh, DN có thể hoạt động hợp pháp.
Song, điều đáng nói là sau đó họ gặp phải rất nhiều quy định trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh do các quy định pháp luật phát sinh làm giảm kỳ vọng của DN, thậm chí thay đổi cả chính sách đầu tư. Đơn cử như quy định hạn chế nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng trong năm 2015 đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều DN FDI.