Vốn tam nông bám thực tiễn để hỗ trợ
Sẽ có bước đột phá tín dụng tam nông | |
Tạo động lực mới cho tam nông | |
Nông thôn đổi mới nhờ Nghị quyết 'tam nông' |
Ngày 24/10 vừa qua, NHNN Việt Nam đã ban hành Thông tư số 25/2018/TT-NHNN (Thông tư 25) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2015/TT-NHNN (Thông tư 10), nhằm kịp thời hướng dẫn các TCTD trên cả nước thực hiện những chủ trương mới trong việc hỗ trợ nguồn vốn phục vụ phát triển lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Ảnh minh họa |
So sánh những điểm sửa đổi, bổ sung của Thông tư 25 với Thông tư 10 trước đó cho thấy, những nút thắt quan trọng thường vướng mắc trong quá trình cung ứng dòng vốn cho lĩnh vực tam nông, như: xác định đối tượng vay vốn, thực thi các thủ tục hỗ trợ miễn giảm lãi vay và cơ cấu thời hạn trả nợ, cân đối hạn mức và thời hạn vay vốn đối với từng đối tượng sản xuất nông nghiệp… đều đã được NHNN tích cực tháo gỡ.
Thứ nhất là Thông tư 25 đã sửa đổi đối tượng khách hàng vay vốn để phù hợp với quy định của Nghị định 116. Theo đó, khách hàng vay vốn chỉ bao gồm là cá nhân và pháp nhân; trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân khi quan hệ vay vốn thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân phải là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn.
Quy định này một mặt giúp các TCTD thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và Thông tư 39/2016/TT-NHNN của NHNN (về hoạt động cho vay của các TCTD), mặt khác cũng giúp các NHTM xác định đúng khách hàng để cho vay thuận tiện, tránh các trường hợp không thống nhất câu chữ khi xác lập hồ sơ tín dụng dẫn đến các phiền hà về thủ tục, gây chậm trễ thời hạn giải ngân.
Điểm sửa đổi quan trọng thứ hai đó là không hạn chế số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Trước đây Thông tư 10 chỉ cho phép TCTD được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 1 lần đối với khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ do những nguyên nhân bất khả kháng. Tuy nhiên Thông tư 25 đã sửa đổi, bổ sung quy định trên theo hướng không hạn chế số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ phù hợp với chu kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, nhưng tổng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ tối đa không vượt quá thời hạn cho vay vốn ban đầu theo hợp đồng tín dụng đã ký nhằm tạo điều kiện cho khách hàng có thời gian khôi phục lại sản xuất.
Điểm thay đổi quan trọng này, theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) là xuất phát từ thực tiễn và đáp ứng kiến nghị của nhiều địa phương và các TCTD khi triển khai cho vay lĩnh vực tam nông. Bởi trong suốt những năm qua, mặc dù việc hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất cho vay vẫn liên tục được các NHTM thực hiện nhưng do các tác động tiêu cực từ quá trình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương vẫn chịu rủi ro khá lớn. Các đơn vị, doanh nghiệp ở khu vực kinh tế nông nghiệp – nông thôn vẫn cần có sự hỗ trợ từ các NHTM để khôi phục, duy trì và phát triển các mô hình, dự án sản xuất – kinh doanh đã được đánh giá tốt về hiệu quả kinh tế và có tác động tích cực đến xã hội.
Một điểm mới nữa của Thông tư 25/2018 so với các quy định trước đó là NHNN đã bổ sung quy định hướng dẫn thời gian ân hạn đối với khách hàng vay vốn để trồng, chăm sóc, tái canh các loại cây trồng lâu năm. Theo đó, việc cho phép các TCTD được chủ động thỏa thuận với khách hàng về thời gian ân hạn nợ gốc và nợ lãi phù hợp với chu kỳ kiến thiết của từng loại cây trồng. Thời gian ân hạn là khoảng thời gian tính từ khi TCTD bắt đầu giải ngân vốn vay đến khi khách hàng bắt đầu trả nợ gốc và lãi được thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng
Những sửa đổi trên cho thấy những kiến nghị của khách hàng vay vốn tái canh cà phê, sản xuất hồ tiêu, cao su… đã thực sự được các NHTM lắng nghe và được NHNN luật hóa thống nhất bằng văn bản pháp lý. Việc này chứng tỏ rằng, những hỗ trợ của hệ thống ngân hàng trong việc cấp vốn vào lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn đã vượt qua tính chất hưởng ứng các chỉ đạo hành chính của Chính phủ để trở thành những kết nối - hợp tác công bằng, cùng nhau chia sẻ cả rủi ro và lợi nhuận giữa nhà nông và nhà băng.