Tạo động lực mới cho tam nông
Sẽ có bước đột phá tín dụng tam nông | |
Nông thôn đổi mới nhờ Nghị quyết 'tam nông' |
Ngành duy nhất liên tục xuất siêu
Chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn nhận định, mặc dù trải qua rất nhiều biến động về thiên tai, về thị trường, rồi khủng hoảng kinh tế nhưng nông nghiệp luôn là một điểm sáng rõ rệt nhất trong toàn bộ quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện cả nước có khoảng 3.478 xã đạt chuẩn nông thôn mới |
Nông nghiệp không những đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo thu nhập của người dân tăng lên trong suốt 10 năm qua mà đạt được mốc rất cao về XK. Đây cũng là ngành duy nhất liên tục xuất siêu - một thành tựu to lớn. Ngoài ra, chương trình nông thôn mới khi bước vào giai đoạn 2 có sự biến chuyển rất mới với việc thay đổi linh hoạt hơn các tiêu chí khiến bộ mặt của nông thôn đã đổi thay đáng kể.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 10 năm qua (giai đoạn 2008 - 2017), tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm và ngành nông nghiệp đã có 10 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trở lên.
Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. XK nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn tăng từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 130 triệu đồng năm 2017, đã góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn (bình quân 1,5%/năm). Đến nay, cả nước đã có 3.478 xã (38,98%) đạt chuẩn nông thôn mới.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, quá trình phát triển nông nghiệp vẫn có nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, phát triển công nghiệp chế biến chế tạo nông lâm thủy sản, công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu. Ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, chưa tạo được “đột phá” để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh...
Ông Lê Huy Ngọ - nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, định hướng đặt ra đó là tái cơ cấu theo cơ chế thị trường thì chính sách cũng phải theo cơ chế thị trường, tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là đất đai đã theo cơ chế thị trường chưa?
Trong khi đó, GS. Đặng Hùng Võ lại cho rằng, nông dân vẫn đang “cô đơn” trên đồng ruộng, họ vẫn đang loay hoay với các mô hình hợp tác phát triển sản xuất. Đất mà nông dân đang dùng vẫn còn hạn điền, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn mất chi phí cao, đời sống nông dân vẫn khó khăn.
Thời gian qua, có sự liên kết giữa DN và nông dân nhưng nhiều mô hình chưa hiệu quả. Nhà nước cần mạnh dạn hơn trong đổi mới chính sách giao đất nông nghiệp. Đồng thời, có chính sách giảm chi phí cho người nông dân khi tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất. “Chúng ta cần phá bỏ hạn điền để nông dân gắn chặt với sự nghiệp sản xuất, tìm kiếm các mô hình hợp tác phù hợp giúp họ yên tâm sản xuất, ổn định đời sống”, ông Đặng Hùng Võ nêu quan điểm.
Vốn cho nông nghiệp mới chiếm 5% GDP
Những vướng mắc về vốn, đất đai để đầu tư vào nông nghiệp cũng là điều mà các DN, nhà quản lý trăn trở. Ông Lê Văn Hiện - Giám đốc Hợp tác xã Xuyên Việt (Hải Dương) cho biết, dù HTX đã có bước phát triển vượt bậc, từ 7 thành viên với diện tích canh tác 10 ha tăng lên 22 thành viên với 106 ha đất, trong đó, có 22ha làm nông nghiệp công nghệ cao nhưng khó khăn chưa phải là hết.
Vướng mắc lớn nhất về đất đai làm cho HTX nhỏ đi, cô đơn hơn trong quá trình phát triển. Dù HTX có hồ sơ năng lực tốt, chứng minh với bạn hàng khả năng của mình, HTX cũng đầu tư hàng trăm tỷ đồng trên đất nhưng vẫn không thể vay vốn ngân hàng. Đã đến lúc phải xem lại vai trò của HTX, ngành chức năng, chính quyền địa phương phải coi chúng tôi như DN, chứ không thể để DN ngồi mâm đồng còn chúng tôi ngồi mâm sàng như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam, điều mong muốn của các DN XK thủy sản nói riêng và DN Việt Nam nói chung là việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh phải quyết liệt hơn, xóa bỏ những gánh nặng chi phí và thời gian cho DN. Cùng với đó, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, vấn đề bảo hộ thị trường trong nước cũng là yếu tố cần được các cơ quan quản lý quan tâm, có chính sách phù hợp.
10 năm qua, bước chuyển đầu tiên quan trọng nhất đó chính là cơ cấu sản xuất. Tuy nhiên, những mặt mang tính chất gốc rễ hơn như tăng trưởng năng suất lao động, tăng trưởng khoa học công nghệ, thay đổi trong tổ chức sản xuất lại chưa có những đột phá. Kèm theo đó mức đầu tư của DN vào nông nghiệp còn hạn chế, DN đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này hầu như còn vắng bóng, ông Đặng Kim Sơn nêu quan điểm.
Trong thời gian tới, vấn đề vốn đặc biệt là vấn đề đầu tư công phải tính toán một cách thích đáng để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, không thể để cho tình trạng ngành nông nghiệp hiện nay đóng góp 17% GDP, 25% XK, 70% dân số sống ở nông thôn, 48% lao động sống ở nông thôn nhưng lại chỉ có 5% vốn đầu tư toàn xã hội đầu tư cho nông nghiệp - một con số quá thấp. Ông Lê Huy Ngọ băn khoăn, với con số đầu tư quá thấp vào nông nghiệp thì tái cơ cấu này chỉ là tái đơn thuần chứ không phải tái cơ cấu theo chiều rộng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn nếu không có DN làm trụ cột để tổ chức sản xuất thì chúng ta không thể thành công. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tháo gỡ các nút thắt để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn như ban hành Nghị định 57 thay thế Nghị định 210 về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp; sửa Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Cùng với đó một loạt những nút thắt cần phải tháo gỡ. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp thu hút thêm nhiều hơn DN, ưu tiên DN dân tộc, đặc thù của vùng miền liên kết bà con nông dân, bà con, HTX, phát huy tiềm năng lợi thế của chúng ta để đưa sự nghiệp nông nghiệp, nông dân, nông thôn của chúng ta tiếp tục phát triển.