Ban hành khuôn khổ pháp lý chuyên ngành là cấp bách
Nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu | |
Chính phủ bàn giải pháp đột phá xử lý ngân hàng yếu kém | |
Khi nhìn nhận về nợ xấu đã thay đổi |
Tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật mới diễn ra gần đây, Chính phủ đã đề nghị bổ sung nội dung liên quan đến việc sửa đổi Luật Các TCTD và ban hành riêng một nghị quyết của Quốc hội cho xử lý nợ xấu vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Dương Quốc Anh cho rằng, việc ban hành Nghị quyết hỗ trợ xử lý nợ xấu sẽ giúp các TCTD khắc phục được khó khăn, hỗ trợ quá trình tái cơ cấu, tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, hiệu quả, gia tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp với lãi suất thấp, góp phần phát triển kinh tế bền vững.
“Do tầm quan trọng và nhu cầu cấp bách này, nên Chính phủ cần cố gắng hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết, để có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, diễn ra vào tháng 5 tới. Còn dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD phức tạp và nhạy cảm, có áp dụng biện pháp điều chỉnh quyền công dân, nên cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình 2 kỳ họp”, ông Dương Quốc Anh đề xuất.
Xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là vấn đề cấp bách |
Đồng quan điểm về tính cấp bách của việc dọn đường thông thoáng cho xử lý nợ xấu, nhưng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý, trọng tâm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD là nhằm thực hiện chặt chẽ, hiệu quả tái cơ cấu các tổ chức yếu kém. Vì thế, phải theo sát thực tế triển khai việc thi hành luật này để sửa đổi sao cho khả thi.
Ông Tùng dẫn chứng, lãi suất quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và trong Luật Các TCTD hiện nay là chưa thống nhất. Đây cũng là nội dung có nhiều tranh chấp khi ra tòa án, chính vì pháp luật chưa thống nhất nên gây nhiều rủi ro cho hoạt động của các TCTD. Hay việc cấp tín dụng cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán hiện cũng có nhiều bất cập, trong khi vấn đề kinh doanh bất động sản của các TCTD lại đang bị lợi dụng.
Các quy định liên quan đến giới hạn cấp tín dụng, như: tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài... khi thực hiện đang cho thấy nhiều vấn đề…
Giải trình tại phiên họp này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là vấn đề cấp bách, vì nợ xấu hiện chỉ ở mức thấp nhưng con số tiềm ẩn nợ xấu rất lớn. Nếu không xử lý nhanh số nợ xấu thì không chỉ làm suy yếu hệ thống ngân hàng, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác như lãi suất không giảm được, ảnh hưởng đến cung ứng vốn cho nền kinh tế, gây khó khăn cho quá trình phát triển. Đồng thời, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng rất cấp bách, vì một số ngân hàng có nguy cơ bị kiểm soát đặc biệt.
Nói thêm về nghị quyết này, Phó Thống đốc cho hay, hầu hết các ý kiến đại biểu Quốc hội đều đề xuất cần khoanh lượng nợ xấu được xử lý lại để tránh bị các TCTD lợi dụng dẫn đến không tích cực xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, cực chẳng đã TCTD mới chuyển thành nợ xấu. Bởi nếu để nợ xấu tăng sẽ dẫn đến hàng loạt hệ lụy, như sẽ phải trích lập dự phòng nhiều hơn, ảnh hưởng đến chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận, xếp hạng TCTD bị đánh tụt.
Trước đó, Chính phủ đã tổ chức phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2017 thảo luận về dự án Luật Hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu mà NHNN trình. Sau khi thảo luận, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và tính cấp bách của việc cần sớm ban hành khuôn khổ pháp lý riêng, mang tính chuyên ngành để cơ cấu lại các TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu.
Chính phủ đã giao NHNN tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD và các luật có liên quan, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Chính phủ thống nhất định hướng: Phạm vi điều chỉnh của nghị quyết về xử lý nợ xấu bao gồm việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu; có cơ chế cho phép Công ty trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam (DATC), các doanh nghiệp khác có chức năng kinh doanh mua bán nợ được tham gia bình đẳng vào quá trình xử lý nợ xấu.
Về biện pháp chuyển giao bắt buộc, từ nay nhà nước không áp dụng biện pháp mua bắt buộc 0 đồng. Trường hợp các TCTD được kiểm soát đặc biệt sau khi đã thực hiện phương án phục hồi mà không thể phục hồi, thì ưu tiên phương án chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới, cho TCTD có năng lực tài chính tốt. Các cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu, thất thoát vốn, tài sản... của TCTD vẫn phải chịu trách nhiệm và nghĩa vụ về hậu quả do mình gây ra. Chính phủ quyết định việc chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt. Trường hợp không chuyển giao được mà không thể phá sản thì thu hẹp dần hoạt động để xử lý, giải thể, chấm dứt hoạt động.
Chính phủ cũng thống nhất định hướng cần quy định cụ thể về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) để đảm bảo quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC. Việc xây dựng cơ chế này cần dựa trên nguyên tắc kế thừa quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006/NĐ-CP.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự kiến tại Phiên họp thứ 9, từ ngày 17 đến 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu với dự thảo nghị quyết và dự án luật này. Trong Phiên họp lần thứ 10 vào tháng 5 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần hai.
Chính phủ thống nhất cơ bản với nội dung của dự thảo các quy định về cơ cấu lại các TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu do NHNN trình. Trên cơ sở đó, NHNN tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD và các luật có liên quan, trình đồng thời Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. NGHỊ QUYẾT PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ CHUYÊN ĐỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT |