Xuất khẩu không xáo trộn vì sự cố
Xuất khẩu cà phê lấy lại đà tăng trưởng | |
Xuất khẩu giảm tốc qua một năm chật vật | |
Việt Nam - nền kinh tế nổi bật ở châu Á |
Có 2 sự kiện liên quan mật thiết tới tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2016, đã được Tổng cục Thống kê đăng tải trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 như những điểm nhấn đáng chú ý.
Đầu tiên là về tác động của sự kiện Brexit đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, trong khối EU, Anh là đối tác thương mại đứng thứ 3 về xuất khẩu của Việt Nam sau Đức và Hà Lan với tỷ trọng chiếm khoảng 13%-15% tổng kim ngạch xuất khẩu. Về nhập khẩu, Anh đứng thứ 4 sau Đức, Pháp và Italia, chiếm khoảng 7% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ EU.
Ở chiều ngược lại, thị trường Anh chỉ chiếm gần 3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Điều này cho thấy, đây là thị trường nhiều tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam. Theo Hiệp ước, nước Anh cần 2 năm để tiến hành các thủ tục chính thức cho việc rời khỏi EU. Như vậy, trong năm 2016 sự kiện Brexit hầu như không có tác động trực tiếp đến luồng hàng hóa giao dịch giữa 2 quốc gia.
Ảnh minh họa |
Sự kiện thứ hai được cơ quan thống kê đề cập tới là sự cố Samsung phải thu hồi sản phẩm Galaxy Note 7 trên toàn cầu hồi tháng 8/2016, khiến nhiều ý kiến lo ngại sẽ ảnh hưởng lớn tới kim ngạch xuất khẩu trong nước. Trái với lo ngại, Tổng cục Thống kê một lần nữa khẳng định sự cố Galaxy Note 7 đã không ảnh hưởng nhiều đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nói chung cũng như đối với nhóm hàng điện thoại và linh kiện nói riêng.
Cụ thể, trong 3 tháng cuối năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện vẫn tăng so với cùng kỳ. Tháng 10 đạt 2,8 tỷ USD, tăng 6,4%; tháng 11 đạt 3,3 tỷ USD, tăng 17,7%; tháng 12 đạt 2,9 tỷ USD, tăng 67,9%. Mức tăng trưởng xuất khẩu này có được là do Samsung đã ra các dòng sản phẩm khác để bù đắp. Tính chung cả năm, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 34,5 tỷ USD, tăng 14,4% so với năm 2015.
Tổng cục Thống kê cũng đánh giá, mặc dù sự cố Galaxy Note 7 không ảnh hưởng nhiều đến việc giảm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng dự báo mức tăng trưởng của nhóm hàng này cũng sẽ chậm dần trong các năm tới.
Đối diện với 2 sự cố lớn ảnh hưởng tới thị trường và sản phẩm xuất khẩu, song có thể nói cục diện chung của bức tranh xuất khẩu trong năm 2016 không có quá nhiều xáo trộn. Cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm nay thay đổi không đáng kể so với năm trước và vẫn duy trì mức tăng ở tất cả các nhóm hàng. Trong đó nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản chiếm 45,4% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu; nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp chiếm 40,4%; nhóm hàng nông, lâm sản chiếm 10,3%; hàng thủy sản chiếm 4%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu năm 2016, Hoa Kỳ vẫn là thị trường dẫn đầu với 38,1 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2015. Tiếp đến là thị trường EU đạt 34 tỷ USD, tăng 10%; Trung Quốc đạt 21,8 tỷ USD, tăng 26,3%; Nhật Bản đạt 14,6 tỷ USD, tăng 3,4%; Hàn Quốc đạt 11,5 tỷ USD, tăng 29%.
Như vậy, trong 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam có tới 3 quốc gia ở khu vực châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. So sánh với cùng thời điểm năm ngoái, số lượng thị trường xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD của Việt Nam có thêm thành viên mới là Hàn Quốc. Đồng thời, xét về tốc độ tăng trưởng, Hàn Quốc cũng là thị trường có mức tăng cao nhất so với năm 2015.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu năm 2016, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 157,9 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm 2015 và chiếm 91,1% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu. Nhóm hàng tiêu dùng đạt 15,4 tỷ USD, tăng 6,8% và chiếm 8,9%. Nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm áp đảo so với hàng tiêu dùng trong cơ cấu nhập khẩu cho thấy nền sản xuất vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta năm 2016 với kim ngạch đạt 49,8 tỷ USD, tăng 0,5% so với năm 2015; Hàn Quốc đạt 31,7 tỷ USD, tăng 14,6%; ASEAN đạt 23,7 tỷ USD, giảm 0,3%; Nhật Bản đạt gần 15 tỷ USD, tăng 4,3%; EU đạt 11,1 tỷ USD, tăng 6,7%.
Như vậy, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất với 28 tỷ USD trong năm 2016, giảm 14,9% so với năm 2015. Nhập siêu từ Hàn Quốc là 20,2 tỷ USD, tăng 8%; nhập siêu từ ASEAN là 6,3 tỷ USD, tăng 12,5%. Hai thị trường lớn vẫn giữ được mức xuất siêu là Hoa Kỳ với 29,4 tỷ USD, tăng 14,8% so với năm 2015; EU là 22,9 tỷ USD, tăng 12,3%.