Xuất khẩu rau quả và những lưu ý
Đắng lòng với rau xanh | |
Rau quả - từ triển vọng đến thách thức |
Tăng trưởng kim ngạch cao hơn mức 22% của xuất khẩu hàng hóa nói chung trong cùng thời kỳ, ngành hàng rau quả cho thấy đang mở rộng được thị trường, tiếp cận người dùng ở các nước tốt hơn, được ưa chuộng hơn. Tín hiệu vui đó đang dành cho những sản phẩm như thanh long, xoài, sầu riêng, dưa hấu…
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, dòng chảy nhập khẩu rau quả thậm chí còn khởi sắc hơn thế. Cũng theo ước tính của Tổng cục Thống kê, nhập khẩu rau quả trong quý I/2018 đạt khoảng 348 triệu USD và tăng trưởng tới 51% so với cùng kỳ năm trước.
Chênh lệch tốc độ giữa xuất khẩu và nhập khẩu ngành hàng rau quả đã diễn ra từ mấy năm nay, đưa đến cảnh báo về việc kim ngạch nhập khẩu đang “bám đuổi” xuất khẩu, đặc biệt đáng lưu ý ở tốc độ tăng trưởng nhập khẩu rau quả từ các thị trường chính như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc… Xoài Thái, táo Trung Quốc, lê Nam Phi, nho Mỹ… đang từng bước thâm nhập thị trường Việt Nam, ngày càng được người dân tin dùng.
Với nhóm hàng rau quả, nhiều loại trong số đó là sử dụng tươi sống, nên câu chuyện chất lượng, tiêu chí an toàn thực phẩm luôn quan trọng với thị trường nhập khẩu. Đó có lẽ là một trong những lý do khiến rau quả ngoại đang dần “lấn sân” ngay tại thị trường Việt Nam - quốc gia có dân số nông thôn chiếm tới 60-70% và một nền nông nghiệp đang đi theo hướng sản xuất hàng hóa, nhưng còn nhiều hạn chế về chất lượng nông sản.
Chính vì chất lượng và khả năng đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, rau quả Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang một số thị trường dễ tính, cự ly gần, nhu cầu lớn. Hiện tại, Trung Quốc đang là quốc gia nhập khẩu rau quả hàng đầu của Việt Nam, ngày càng tăng tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta. Vào cuối năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu tới 76% tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam (tương đương 2,65 tỷ USD), còn 2 tháng đầu năm nay con số này tăng lên 77,3%.
Việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khiến rau quả Việt Nam chịu nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro giao nhận hàng chậm, trả hàng về, chuyển khẩu, và đặc biệt là giá cả bấp bênh. Giai đoạn từ Tết Âm lịch đến nay, giá nhiều loại rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc từ Việt Nam giảm mạnh. Do nguồn cung trong nước dồi dào cộng với giá xuất khẩu sang Trung Quốc giảm đã tác động đến mặt bằng giá trong nước. Theo Tổng cục Thống kê, giá bắp cải, xu hào, cà chua, khoai tây… giảm từ 10-20% trong cùng thời gian trên.
Tất nhiên, không thể phủ nhận nền nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để cải thiện chất lượng, thúc đẩy xuất khẩu nhóm sản phẩm rau quả. Căn cứ trên số liệu thống kê gần đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản thì rau quả Việt Nam đang xuất khẩu khá tốt sang một số thị trường EU.
“Kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả tới các thị trường chính trong khối EU như Hà Lan, Pháp... đều tăng mạnh. Điều này cho thấy, các sản phẩm rau quả của Việt Nam đang dần được quan tâm tại thị trường EU. Đây là cơ hội lớn để DN xuất khẩu đẩy mạnh kim ngạch sang thị trường đầy tiềm năng này”, một bản tin từ Cục Xuất nhập khẩu đưa bình luận.
Đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang EU dường như là hướng đi phù hợp không những với hoạt động xuất khẩu mà còn đem đến kỳ vọng cải cách nông nghiệp của Việt Nam. Bởi lẽ, đây là thị trường lớn, có nhiều dư địa để tăng trưởng, đồng thời cũng là thị trường đặt ra luật lệ khắc nghiệt cho nhóm hàng này - một động lực để sản xuất nông nghiệp Việt Nam thay đổi về tư duy sản xuất, bảo quản, cung ứng và ý thức tuân thủ quy định của thị trường.
Bởi với tất cả các quốc gia xuất khẩu rau quả thì EU luôn là thị trường đích đầy “thèm muốn”. Theo thống kê từ Ủy ban châu Âu, năm 2017, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng rau quả của EU đạt 105,8 tỷ Euro, hay tương đương với 130,7 tỷ USD. Đáng chú ý, nhập khẩu nội khối có xu hướng giảm, trong khi nhập khẩu từ các thị trường ngoài EU tăng.
Xét trong tương quan toàn cầu, EU là thị trường nhập khẩu rau quả hàng đầu, với trị giá nhập khẩu hàng rau quả chiếm tới 50% tổng trị giá của thế giới. Đáng chú ý là trong đó, trị giá nhập khẩu từViệt Nam hiện chỉ chiếm 0,9% tổng nhập khẩu hàng rau quả của EU, nhưng tốc độ tăng trưởng lại cao, cho thấy triển vọng mở rộng hợp tác thương mại Việt Nam - EU ở lĩnh vực này là rất lớn.
Tuy nhiên, đây là thị trường yêu cầu cao về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng sản phẩm là những vấn đề quan trọng mà EU quan tâm. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, EU hạn chế sử dụng một số hóa chất, do đó sản phẩm nhập khẩu được kiểm soát kỹ.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, để có thể xuất khẩu mặt hàng rau quả vào thị trường EU, ngoài vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch, các sản phẩm phải đạt chuẩn HACCP hay GlobalGAP. Hiện nay, GlobalGap trở thành tiêu chuẩn tối thiểu cho các siêu thị ở EU. Đây là tiêu chuẩn bao gồm toàn bộ quy trình sản xuất, chưa tính chế biến và đóng gói.
“Các DN xuất khẩu cần chú ý tới xu hướng tăng tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ, vì ngày càng nhiều người tiêu dùng EU thích các sản phẩm thực phẩm được sản xuất và chế biến bằng phương pháp tự nhiên”, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo.