3 vấn đề cần quan tâm khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Đầu tư trái phiếu DN, tại sao không? | |
Trái phiếu doanh nghiệp - Cơ chế vốn nhiều tiềm năng | |
Thắt chặt hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp |
Ảnh: Minh họa |
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cao nhất
Trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường hiện nay được tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán và bất động sản với tỉ trọng lên tới 72%. Trong đó, nhóm ngành bất động sản, xây dựng hạ tầng thường có mức lãi suất cao nhất, tiếp đến là nhóm ngành chứng khoán và ngân hàng.
Vừa qua, một doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu với mức lãi suất cao nhất lên tới 14,45%/năm. Trong khi đó, một công ty chứng khoán có thị phần top 5 môi giới tại sàn HOSE cũng phát hành thành công trái phiếu với lãi suất từ 9,5-11,3%/năm. Đối với trái phiếu ngân hàng, mức lãi suất phổ biến là từ 6,4-7%/năm, trong đó có ngân hàng cao nhất lên tới 8,825%/năm (chỉ áp dụng cho kì đầu tiên).
Như vậy, so với mặt bằng lãi suất huy động hiện nay của các ngân hàng thì lãi suất trái phiếu doanh nghiệp đang cao hơn rất nhiều và thu hút được một lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư. Ngoài ra, các sản phẩm trái phiếu hiện nay cũng được thiết kế linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư. Phần lớn các trái phiếu đều có thể cho, tặng, chuyển nhượng dễ dàng.
3 vấn đề cần quan tâm của nhà đầu tư
Đánh giá về mức độ rủi ro của trái phiếu, nhìn chung, các chuyên gia tài chính đều có cùng quan điểm “hight risk, hight return” (rủi ro cao, lợi nhuận lớn) khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Với mặt bằng lãi suất huy động hiện nay thì một kênh đầu tư có mức sinh lời cao trên 10% đương nhiên cũng sẽ có độ rủi ro tương ứng.
Trong khi đó, so với các nhà đầu tư tổ chức thì nhà đầu tư cá nhân hiện nay đang chịu nhiều rủi ro hơn do không có đủ năng lực và điều kiện để thẩm định doanh nghiệp trước khi mua trái phiếu. Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân cũng bị hạn chế về nguồn vốn khi các ràng buộc về phát hành trái phiếu thường yêu cầu mức vốn đầu tư tối thiểu khá cao (thường là 100 triệu đồng) và thời gian nắm giữ dài hạn.
Trong trường hợp lãi suất đủ sức hấp dẫn thì việc tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp, các quy định về sản phẩm trái phiếu thông qua đơn vị tư vấn, môi giới là điều hết sức cần thiết đối với nhà đầu tư cá nhân. Do vậy, để khoản đầu tư trái phiếu được an toàn, có hiệu suất sinh lời cao, nhà đầu tư cá nhân cần đặc biệt lưu ý đến 3 vấn đề.
Thứ nhất, để hạn chế rủi ro mất vốn, nhà đầu tư nên ưu tiên trái phiếu doanh nghiệp được ngân hàng bảo lãnh hoặc có tài sản đảm bảo. Trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản thì ngân hàng bảo lãnh sẽ là bên đứng ra mua lại khoản trái phiếu này cho nhà đầu tư. Đối với trái phiếu có tài sản đảm bảo thì nhất thiết phải được đơn vị quản lý có uy tín quản lý.
Ngược lại, nếu trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo hoặc được ngân hàng bảo lãnh thì rủi ro sẽ tăng lên cao. Lãi suất trong trường hợp này có thể không còn tương xứng với mức độ rủi ro.
Thứ hai, khả năng thanh khoản của trái phiếu cũng là một yếu tố cần quan tâm. Mặc dù thanh khoản của thị trường trái phiếu đã được cải thiện trong những năm gần đây. Tuy nhiên, do quy mô thị trường còn bé nên trong trường hợp nhà đầu tư cần rút vốn trước hạn sẽ gặp phải những khó khăn nhất định.
Vì vậy, khi mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng cần phải tìm hiểu kỹ nội dung đơn vị phát hành có cam kết mua lại trong khoảng thời gian nhất định sau ngày phát hành hay không ? Trong trường hợp đơn vị phát hành không cam kết mua lại thì đơn vị tư vấn, phân phối trái phiếu có chịu trách nhiệm tìm kiếm đối tác mua lại trái phiếu cho nhà đầu tư hay không ?
Thứ ba, nhà đầu tư cần lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển, được kiểm toán, tư vấn phát hành bởi các tổ chức và đơn vị có uy tín cao trong ngành. Tốt nhất trong trường hợp này là các doanh nghiệp đã được niêm yết thông tin minh bạch trên thị trường chứng khoán vì khi đó, nhà đầu tư dễ dàng tìm kiếm được các thông tin cần thiết về hoạt động của doanh nghiệp.
Sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp hiện nay giúp nhà đầu tư có thêm một kênh đầu tư mới,tuy nhiên không phải để thay thế những kênh đầu tư hiện có. Vì vậy, lựa chọn kênh đầu tư nào hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư.