Agribank góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững
Agribank chung sức cùng các địa phương và người dân khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 Agribank chủ động hỗ trợ khách hàng vượt khó |
Nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân, tháng 5 vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 34/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Chỉ thị đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại khu vực đô thị.
Trước đó, tại Kỳ họp Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với nhiều chính sách đột phá, đồng bộ để phát triển nhà ở xã hội, trước hết là nhằm thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030. Tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở năm 2023 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định 100 sẽ giúp khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển và quản lý nhà ở xã hội; có nhiều chính sách ưu đãi hơn cho doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở xã hội; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các chủ thể liên quan, gồm cả chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người thụ hưởng. Điều quan trọng là phải nhanh chóng đưa các chính sách, quy định mới này vào cuộc sống.
Là một trong những ngân hàng chủ lực trong triển khai các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, thời gian qua, Agribank luôn chủ động, tích cực triển khai các giải pháp cho vay phát triển nhà ở xã hội, hỗ trợ người dân. Ngay từ đầu năm 2023, Agribank đã có văn bản chỉ đạo các chi nhánh áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Trong đó giảm lãi suất tối đa 3%/năm đối với các khoản vay kinh doanh bất động sản còn dư nợ đến thời điểm 31/1/2023. Đặc biệt, ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, đồng thời phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, Agribank đã cùng các NHTM Nhà nước tích cực tham gia xây dựng chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho phân khúc bất động sản nhà ở xã hội.
Đến 31/8/2024, Agribank là ngân hàng dẫn đầu về công tác triển khai cho vay trong số các ngân hàng đã tham gia Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng. Trong đó, Agribank đã phê duyệt 13 dự án nhà ở xã hội đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện vay vốn tại Điều 25 Nghị định 100/2024/NĐ-CP, được công bố theo quy định của Bộ Xây dựng tại các tỉnh Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam, Kiên Giang với tổng số tiền phê duyệt là 3.065 tỷ đồng. Agribank đã cho vay tại 08 dự án và 145 khách hàng là người mua nhà và 05 dự án còn lại tại các tỉnh Bình Định, Hải Phòng, Lâm Đồng, Thái Nguyên sẽ được sớm giải ngân trong thời gian tới. Bên cạnh đó số lượng dự án Agribank đang tiếp cận và dự kiến tiếp cận là 12 dự án, số tiền dự kiến đề xuất trên 5.200 tỷ đồng.
Tại Agribank, lãi suất ưu đãi của chương trình được điều chỉnh 6 tháng/lần. Hiện nay, lãi suất áp dụng đến hết ngày 31/12/2024 đối với chủ đầu tư là 7,0%/năm và đối với người mua nhà là 6,5%/năm. Thời gian ưu đãi lãi suất đối với chủ đầu tư là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu, còn đối với người mua nhà là 5 năm.
Agribank luôn chủ động tiếp cận, làm việc với Sở Xây dựng, Ban ngành tại địa phương nắm bắt nhu cầu đầu tư vốn của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; thường xuyên theo dõi, kịp thời nắm bắt danh mục các dự án và các khó khăn vướng mắc của các dự án về hồ sơ pháp lý để kịp thời tháo gỡ và triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng hiệu quả, đúng đối tượng, điều kiện, tuân thủ cơ chế tín dụng hiện hành.
Những nỗ lực triển khai và kết quả ban đầu của Agribank đã góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, đi đôi với kiểm soát rủi ro; tập trung cho an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp sở hữu nhà ở đảm bảo chất lượng và phù hợp với điều kiện kinh tế.
Để các chính sách về nhà ở xã hội thực sự đi vào cuộc sống, nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội được khơi thông, lãnh đạo Agribank cho biết, cần sự chung tay vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt các thể chế, pháp luật về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp cần được tiếp tục hoàn thiện; ưu tiên tỷ lệ quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị…