Áp dụng CSI nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp
Đây là những thông tin được đưa ra tại buổi đối thoại với chủ để Phát triển bền vững doanh nghiệp - Bài học kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19.
Buổi tọa đàm đã trao đổi về sự phát triển bền vững cùng doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tới doanh nghiệp. Bà Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết, yêu cầu của nhà nhập khẩu đang ngày càng cao hơn và hướng đến kinh tế tuần hoàn, sự phát triển bền vững.
“Bền vững và kinh tế tuần hoàn đang là xu thế. Nhiều nhà nhập khẩu yêu cầu mỗi đôi giày xuất đi phải kèm theo CV, trong CV đó phải nói rõ là đôi giày này sau khi sử dụng có thể tái chế thế nào. Nhà nhập khẩu còn yêu cầu doanh nghiệp chứng minh về môi trường, sử dụng lao động và chế độ lao động thế nào… Hay xử lý cacbon ra sao… Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được những yêu cầu này sẽ không tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu được”, bà Xuân cho biết.
Những yêu cầu của nhà nhập khẩu mà bà Xuân nêu lên cũng là những tiêu chí trong CSI, đã được đưa ra ở Việt Nam năm 2015. Cũng từ năm 2016 đã bắt đầu có chương trình đánh giá công bố doanh nghiệp phát triển bền vững dựa trên bộ chỉ số này.
Ông Phạm Quang Vinh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) cho biết, CSI là công cụ quản trị doanh nghiệp hiệu quả, giúp hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp khi lập chiến lược sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển bền vững. Doanh nghiệp cũng dùng bộ chỉ số này để xây dựng báo cáo bền vững.
Cho đến nay, báo cáo bền vững đang dần trở thành thông lệ quốc tế. Trên thế giới đã có 30 quốc gia đưa quy định thực hiện báo cáo bền vững vào khung pháp lý, là một bắt buộc với doanh nghiệp. Báo cáo bền vững cũng giúp doanh nghiệp trong thu hút đầu tư.
Tại tọa đàm, bà Xuân, ông Vinh và đại diện đến từ Deloitte Việt Nam, Nestle Việt Nam cùng một số doanh nghiệp cùng cho rằng CSI VÀ báo cáo bền vững là cách giúp tạo lập và củng cố lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Nói về kết quả sau 3 năm có bộ chỉ số này và chương trình đánh giá doanh nghiệp bền vững, ông Vinh cho biết, chương trình này đã mang lại những thay đổi đáng kể trong cộng đồng doanh nghiệp, những doanh nghiệp đã áp dụng CSI và tham gia chương trình này đều có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, năng suất lao động được cải thiện đáng kể so với trước khi tham gia chương trình này và những doanh nghiệp này đã có kết quả vượt trội hơn những doanh nghiệp không tham gia chương trình.
Sau 3 năm thực hiện chương trình đánh giá doanh nghiệp bền vững đã cho thấy những kết quả định lượng rõ ràng. Có từ 70-90% các doanh nghiệp tham gia chương trình đều đang thực hiện các hoạt động liên quan đến quản trị bền vững như có hệ thống giám sát sự hài lòng của khách hàng, có chính sách phòng chống tham nhũng và hối lộ, có hoạt động với cộng đồng và bảo vệ môi trường.
Hơn 80% doanh nghiệp tham gia chương trình đã lồng ghép bảo vệ môi trường vào chiến lược và kế hoạch phát triển của doanh nghiệp. Cũng có khoảng hơn 80% doanh nghiệp tham gia chương trình đều có chính sách lao động, quan tâm đến an sinh xã hội và người lao động tốt hơn nhóm doanh nghiệp khác…
Nhóm doanh nghiệp tham gia chương trình có năng suất lao động và hiệu suất sử dụng lao động, năng lực cạnh tranh và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh… cao hơn đáng kể so với nhóm doanh nghiệp đối chứng. Do đó, phần lớn các doanh nghiệp tham gia chương trình đã bày tỏ mong muốn gắn bó với chương trình trong những năm tiếp theo.
Bà Thu Trang, đại diện của Deloitte Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh báo cáo bền vững đang dần trở thành thông lệ quốc tế, phát triển bền vững đang là xu thế, việc thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng bộ chỉ số CSI và báo cáo bền vững là cần thiết nhưng cần phổ biến về chỉ số này và báo cáo bền vững tới doanh nghiệp và Chính phủ cùng các cơ quan quản lý hơn nữa.
Từ góc độ của những doanh nghiệp xuất khẩu và tham gia chuỗi toàn cầu, bà Thanh Xuân phát biểu, CSI là bộ công cụ và thước đo tốt, mong bộ chỉ số này được áp dụng rộng rãi hơn và cơ quan nhà nước cũng nên dùng nó làm công cụ đánh giá doanh nghiệp như thế sẽ giảm đi được nhiều thủ tục hành chính văn bản báo cáo… Công cụ này cũng sẽ giúp cho công việc kiểm toán doanh nghiệp thuận lợi hơn.
Các đại biểu tại tọa đàm cùng đề nghị là cần có cơ chế yêu cầu cơ quan nhà nước, bộ, ngành cũng cần sử dụng dữ liệu từ báo cáo bền vững của doanh nghiệp thay vì từng bộ ngành lại yêu cầu doanh nghiệp báo cáo riêng lẻ, với nhiều báo cáo riêng lẻ doanh nghiệp sẽ tốn thời gian và chi phí hơn. Việc tích hợp như vậy sẽ giảm gánh nặng chi phí và nguồn lực làm báo cáo cho doanh nghiệp còn cơ quan nhà nước sẽ có bức tranh doanh nghiệp tổng thể hơn.
Các hoạt động của Chính phủ và các bộ ngành cũng đóng góp nhiều nhất trong việc thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, nên chăng cũng cần thể chế hóa hoạt động lập báo cáo bền vững là một bắt buộc để công bố và quản lý thông tin doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng cơ chế đẻ tích hợp và lồng ghép các yêu cầu, báo cáo của các bộ ngành vào báo cáo bền vững để giảm chi phí và nguồn lực doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp cũng nên tích cực và chủ động hơn với sự phát triển bền vững và việc áp dụng CSI và báo cáo bền vững.