Bất động sản công nghiệp: Thời cơ vàng để “hút” công ty ngoại
Bất động sản khu công nghiệp: Sáng phân khúc nhà xưởng sản xuất và nhà kho | |
Giai đoạn 2020-2025 - “cơ hội vàng” cho đầu tư bất động sản công nghiệp |
Trong thời gian gần đây, loạt thông tin tuyển dụng lao động ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trên LinkedIn của Apple tiếp tục làm “dậy sóng” thị trường lao động Việt Nam, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Bởi không chỉ cần tuyển một vị trí quan trọng là giám đốc điều hành tại Việt Nam, làm việc tại Hà Nội, phục vụ cho việc thành lập một “đội ngũ nhỏ nhưng sẽ sớm phát triển mạnh” tại Việt Nam nhằm chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển thị trường Việt Nam, mà Apple còn tìm kiếm nhiều vị trí việc làm liên quan đến kỹ thuật bên cạnh công việc của bộ phận kinh doanh, quản trị văn phòng. Những vị trí kỹ sư kiểm nghiệm camera, kỹ sư cơ khí màn hình, quản lý chất lượng màn hình, kỹ sư phần mềm cùng nhân sự cho khâu F.A.T.P (quy trình đóng gói, kiểm thử cuối cùng trước khi xuất xưởng) cũng được Apple tuyển dụng tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Điều này khiến các thông tin Apple chuyển nhà máy về Việt Nam càng trở nên chắc chắn hơn.
Các chủ đầu tư bất động sản KCN ngay từ bây giờ cần chuẩn bị tốt hệ thống hạ tầng, kho bãi |
Không riêng gì Apple phát đi tín hiệu này, trước đó, Samsung Việt Nam cũng đã công bố triển khai xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) mới với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội. Dự kiến khi đi vào hoạt động (hoàn thành vào cuối năm 2022), trung tâm sẽ có quy mô 3.000 người và cũng là tòa nhà đầu tiên được Samsung Điện tử xây dựng ở nước ngoài. Đồng thời, đây cũng là trung tâm R&D lớn nhất trong khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam…
Điều này được lý giải là do sự bùng phát của Covid-19 và những căng thẳng thương mại, chính trị leo thang giữa Trung Quốc và các cường quốc kinh tế, buộc nhiều công ty đánh giá lại chiến lược chuỗi cung ứng của họ tại Trung Quốc – lại khiến nhiều gã khổng lồ như Apple, Microsoft, Google, Samsung, Intel, Nike, Adidas… lên kế hoạch mở rộng, đặt chi nhánh, chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất sang Thái Lan, Việt Nam, Indonesia hoặc Myanmar. Theo TS. Sử Văn Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, việc chuyển một phần cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc như là cách để các công ty đa quốc gia bảo hiểm rủi ro.
Và trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên là điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài với lực lượng lao động trẻ và có tính cơ động cao hơn các quốc gia khác ở Đông Nam Á với chi phí thấp. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng – cảng biển, hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ, hệ thống kho bãi – tương đối tốt, tình hình chính trị ổn định và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới cũng là điểm cộng cho Việt Nam. Một lợi thế khác của Việt Nam là gần Trung Quốc về khoảng cách địa lý, cũng hỗ trợ đắc lực các nhà đầu tư dễ dàng bổ sung cơ sở sản xuất nhưng không cần từ bỏ thị trường 1,4 tỷ dân này.
Việt Nam cũng đã có những sự chuẩn bị rõ nét để đón chào các nhà đầu tư chuyển dịch vùng sản xuất đến, song cũng phải từ 5 đến 8 năm nữa mới là điểm rơi của sự chuyển dịch này, tuy sẽ nhanh chóng được thúc đẩy trong vòng 1 đến 2 năm tới.
Một điểm cộng thêm nữa là việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam sau đại dịch. Nên dù chứng kiến bức tranh suy giảm chung của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tại Việt Nam vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2016 - 2018. Đặc biệt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 4/2020 đã tăng tới 81,4% so với tháng trước đó. Đáng chú ý, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần vẫn tăng 33% về số thương vụ giao dịch. Những con số này cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang âm thầm mua vào khi nhìn thấy tiềm năng của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vốn điều chỉnh vẫn tăng, thể hiện các nhà đầu tư tiếp tục tăng vốn các dự án, đây là tín hiệu tích cực cho kinh tế Việt Nam, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư.
Đại dịch Covid-19 bùng phát một cách bất ngờ và mạnh mẽ, lại đang tạo cho Việt Nam cơ hội tiếp nhận, phát triển phù hợp để trở thành một công xưởng mới, thu hút các nhà đầu tư đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam, mở ra thời kỳ mới cho bất động sản công nghiệp Việt Nam. Dù thị trường chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch nhưng nhu cầu thuê đất khu công nghiệp (KCN) trong những tháng đầu năm tại Việt Nam vẫn ở mức cao. Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có tiềm năng phát triển rất tốt, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản nhận định.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 3/2020, cả nước có 335 KCN được thành lập, trong đó có 260 KCN đã đi vào hoạt động và 75 KCN đang xây dựng. Con số các KCN chưa dừng lại ở đây, việc khởi công xây dựng Khu công nghiệp Việt Phát 1.800 ha ở Long An mới đây cũng góp phần đón đầu “làn sóng” dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hậu Covid-19 của nước ta, vừa giúp thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, và quan trọng hơn tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động tại chỗ và lao động có trình độ, phát huy hiệu quả lợi thế cơ sở hạ tầng, giao thông dần được hoàn thiện và đang bước vào thời kỳ hoạt động hiệu quả…
Quá trình dịch chuyển các ngành sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ diễn ra sớm nhất từ năm 2021. Đây là lúc doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt hệ thống kho bãi, phục vụ hoạt động lưu trữ, giao – nhận hàng hoá trong chuỗi cung ứng, TS. Sử Ngọc Khương nêu quan điểm.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình rằng, bất động sản công nghiệp sẽ tăng trưởng từ năm 2021 với động lực từ các hiệp định thương mại tự do. Đơn cử với Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong tháng 7/2020, sẽ tạo sức hấp dẫn không chỉ với các nhà đầu tư châu Âu mà còn với các nhà đầu tư ở nhiều quốc gia khác. Bởi bên cạnh lợi thế nhân công, thì thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam theo quy định đang thuộc nhóm thấp nhất Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Ngoài ra, các công ty hoạt động trong các khu công nghiệp cũng được hưởng nhiều ưu đãi như miễn thị thực, miễn thuế 2-4 năm, giảm thuế 3-15 năm và miễn thuế nhập khẩu.
Cùng với đó, Việt Nam đang có lợi thế về lòng tin của nhà đầu tư từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố chọn Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam là các nền kinh tế thay thế cho Trung Quốc trong việc cung ứng hàng hoá, để thúc đẩy kinh tế toàn cầu tiến về phía trước. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cũng thông báo dành khoảng 240 tỷ JPY (2,2 tỷ USD) cho việc hỗ trợ các công ty Nhật chuyển nhà máy về trong nước hoặc đa dạng hóa cơ sở sản xuất bằng việc chuyển đến Đông Nam Á.