Bức tranh khởi nghiệp nhiều gam màu trầm
Cơ hội vàng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo | |
Chính phủ sẽ tạo môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi nhất | |
“Chìa khóa” giúp đổi mới sáng tạo thành công |
Trên thực tế, thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch-Đầu tư) cho thấy, trong năm 2020, có 101.719 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 13,9% so với năm 2019, bao gồm: 46.592 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 37.663 DN tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, 17.464 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Trong năm 2020, một số lĩnh vực diễn ra sự thanh lọc mạnh mẽ, thể hiện ở số DN rút lui khỏi thị trường trong ngắn hạn và số DN quay trở lại hoạt động trong năm 2020 là tương đương, như lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng...
Việt Nam vẫn là một trong những thị trường ưu tiên của các Quỹ đầu tư mạo hiểm |
Trong năm qua cũng chứng kiến sự sụt giảm của các dự án khởi nghiệp. Dịch Covid-19 thực sự đã gây ra thiệt hại lớn đối với cộng đồng DN khởi nghiệp khi có tới 50% startup xác nhận lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng và phát sinh thu nhập không đáng kể. Trong khi đó hơn 20% startup cho rằng đang mất đi cơ hội gọi vốn và mở rộng thị trường, 20% startup chọn đóng băng các hoạt động nghĩa là dừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó nhiều startup phải dừng mọi hoạt động quảng cáo trên tất cả các nền tảng kể cả online và offline nhằm tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, nhiều startup lớn cũng rơi vào tình trạng phá sản, trong đó đáng chú ý là Leflair và WeFit - 2 công ty khởi nghiệp từng được đánh giá cao và gọi vốn thành công số tiền triệu USD. Wefit được Khôi Nguyễn thành lập vào tháng 9/2016, với mục tiêu trở thành thương hiệu hàng đầu trong ngành Fitness Việt Nam. Trong giới startup Việt Nam, ứng dụng WeFit được xem như tiên phong trong việc đưa công nghệ vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và thể hình. Năm 2019, startup này công bố gọi vốn thành công 1 triệu USD từ các quỹ đầu tư CyberAgent Capital, KBInvest và một số nhà đầu tư thiên thần khác. Trước đó, công ty từng được quỹ đầu tư ESP Capital đầu tư 155.000 USD vào năm 2017. Tuy nhiên, đến ngày 11/5/2020, công ty thông báo buộc phải dừng hoạt động do vốn hoạt động đã cạn kiệt hoàn toàn.
Cùng với những tác động từ thị trường, sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng tiêu dùng, nhu cầu tiêu dùng cùng với bất trắc khó lường của đại dịch Covid-19 đã khiến cộng đồng khởi nghiệp càng gặp khó hơn. Các dự án khởi nghiệp Việt Nam mặc dù vẫn thu hút được nhiều quỹ mạo hiểm rót vốn đầu tư nhưng đã có sự sụt giảm về số vốn so với năm 2019. Theo đánh giá của quỹ đầu tư mạo hiểm Ventures, do khó khăn chung nên các dự án khởi nghiệp giảm và số dự án kêu gọi được vốn đầu tư từ các quỹ mạo hiểm cũng sụt giảm theo. Việt Nam vẫn là một trong những thị trường ưu tiên của các quỹ này trong thời gian tới bởi tiềm năng khởi nghiệp, nhất là đổi mới sáng tạo rất lớn. Riêng tại Diễn đàn quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit 2020) diễn ra ngày 25/11/2020 đã có 33 quỹ đầu tư cam kết rót 815 triệu USD vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm 2021-2025.
Bên cạnh những gam màu trầm thì trong khó khăn vẫn có nhiều dự án khởi nghiệp thành công, hợp xu thế góp phần vào công cuộc phòng chống dịch bệnh. Trong đó, nhiều dự án trực tiếp giải quyết những nhu cầu bức thiết trong tình hình mới, ứng dụng những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo tăng cường như công cụ dạy học/phòng học trực tuyến, khám bệnh trực tuyến… Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Hành lang pháp lý đã dần được hoàn thiện, gần đây nhất là sự thay đổi về triết lý tiếp cận của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2020, hướng tới tạo điều kiện hơn nữa, khuyến khích hơn nữa các nguồn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.
Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách, giải pháp thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là Đề án 844 tạo lập môi trường thuận lợi cho cộng đồng Startup. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, để phát triển hệ sinh thái một cách bứt phá, cần có sự nỗ lực và phối hợp từ các cơ quan Chính phủ, DN khởi nghiệp đến các chủ thể trong hệ sinh thái khác. Bên cạnh sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành thì chính bản thân các DN khởi nghiệp cần có sự chủ động trong việc đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo ra nhiều giá trị hơn nữa.