Các công trình xanh: Dư địa vô cùng lớn cho đầu tư
Đô thị bền vững: Cần nhiều công trình xanh | |
Xanh hóa nhà ở bình dân: Cần thêm sự hỗ trợ từ chính sách | |
Công trình xanh là xu hướng tất yếu |
Theo báo cáo “Công trình xanh: định hướng tài chính và chính sách cho các thị trường mới nổi” vừa công bố của IFC, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, mảng công trình xanh sẽ mang lại cơ hội đầu tư lên tới 24,7 nghìn tỷ USD, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy nhanh tốc độ phát triển bền vững ở các thị trường mới nổi.
Ảnh minh họa |
Tuy có những mục tiêu tham vọng liên quan đến công trình xanh nhưng các thị trường mới nổi đều gặp nhiều khó khăn trong việc thiết lập các biện pháp hiệu quả nhằm khuyến khích và bắt buộc việc áp dụng các thông lệ xây dựng xanh trên quy mô lớn. Những rào cản cần vượt qua bao gồm năng lực kỹ thuật, những thách thức trong xây dựng và triển khai các quy chuẩn, yêu cầu nhất quán về xây dựng xanh…
Mặc dù có những thách thức như vậy nhưng báo cáo này cho rằng, việc hiện thực hoá đầy đủ tiềm năng đầu tư của công trình xanh là hoàn toàn khả thi, nhờ có những mô hình tài trợ đã được thiết lập, công nghệ có sẵn để áp dụng (với chi phí ngày càng giảm khi được triển khai rộng rãi hơn). Báo cáo cũng nhấn mạnh về những lợi ích rõ ràng về tài chính mà các NĐT, ngân hàng, nhà phát triển bất động sản, và chủ sở hữu dự kiến sẽ có được khi gia nhập thị trường xây dựng xanh.
Trong đó, công trình xanh mang lại mức giá bán cao hơn đáng kể - lên tới 31% hoặc cao hơn - và bán nhanh hơn các công trình truyền thống. Bên cạnh đó, công trình xanh cũng có tỷ lệ lấp đầy cao hơn so với công trình truyền thống và mang lại mức thu nhập cao hơn từ cho thuê nhà. Với việc tiêu thụ ít nước và điện hơn, chi phí vận hành cũng có thể thấp hơn tới 37% so với các công trình truyền thống. Nếu chủ đầu tư tích hợp các giải pháp xanh từ sớm trong khâu thiết kế thì có thể tiết kiệm được từ 0,5% cho đến 12% tổng chi phí phát sinh khi xây dựng công trình xanh. Công trình xanh cũng là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, tạo ra tới 9 triệu việc làm có tay nghề trong cả ngành năng lượng tái tạo và xây dựng vào năm 2030. Hiện tại, công trình xanh mới chỉ chiếm 8% ngành xây dựng và sửa chữa, cho thấy tiềm năng tăng trưởng còn rất lớn.
Báo cáo này cũng thể hiện cách nhìn nhận đặc thù của khu vực tư nhân về tiềm năng đầu tư ở các thị trường mới nổi và cách thức hiện thực hoá tiềm năng này. Báo cáo được chuẩn bị dựa trên kinh nghiệm gần một thập kỷ của IFC trong thực hiện đầu tư 5,5 tỷ USD vào các công trình xanh, cũng như bài học kinh nghiệm trong hỗ trợ các chính phủ thiết kế và triển khai các quy chuẩn xây dựng nhằm tạo xúc tác cho thị trường công trình xanh.
Ở Việt Nam và Indonesia, IFC đã hỗ trợ cải thiện việc tuân thủ quy chuẩn với việc tổ chức đào tạo cho trên 1.000 cán bộ chuyên môn và giám sát trong ngành xây dựng ở mỗi quốc gia. IFC cũng đã xây dựng danh mục kiểm tra cho cán bộ thanh tra và hướng dẫn kỹ thuật cho các tiêu chí của quy chuẩn, khiến cho việc thực thi trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, EDGE (chứng nhận thiết kế xuất sắc nhằm đạt hiệu quả cao hơn) - là hệ thống cấp chứng nhận của riêng IFC được thiết kế cho các thị trường mới nổi, cũng đã có mặt tại trên 150 thị trường.
Báo cáo của IFC nêu bật các thông lệ tốt nhất dành cho các NĐT, ngân hàng, nhà phát triển bất động sản, và chủ sở hữu, và cung cấp kế hoạch đầu tư để mở rộng triển khai công trình xanh trên khắp các thị trường mới nổi. Việc chuyển dịch cho vay và đầu tư sang công trình xanh sẽ cho phép NĐT tận dụng được lợi thế của cơ hội đầu tư đáng kể này. Công trình xanh cũng sẽ giúp xây dựng danh mục đầu tư bất động sản mạnh mẽ hơn, có khả năng chống chịu các rủi ro về tài chính, pháp lý, và danh tiếng gắn với việc chuyển dịch sang các nền kinh tế các-bon thấp.
Theo Nena Stoiljkovic, Phó Chủ tịch Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFC, để thúc đẩy đầu tư vào công trình xanh, các chính quyền cấp trung ương và địa phương ở các nước có thể tạo những điều kiện phù hợp cho tăng trưởng của thị trường công trình xanh; ban hành các quy định nhằm đảm bảo sự rõ ràng và chắc chắn về chính sách cho khu vực tư nhân.