Các kịch bản của thị trường nhân lực
Muốn giữ nhân lực, phải có chính sách đồng bộ | |
Ổn định nguồn nhân lực để tái sản xuất | |
Duy trì nhân lực cho ngành du lịch |
Để chuẩn bị cho những đơn hàng đã ký kết trong năm 2022, Công ty CP Thực phẩm Sài Gòn (Agrex Sài Gòn) đã ra thông báo tuyển dụng khoảng 1.000 nhân sự với mức lương khá hấp dẫn. Được biết, lực lượng lao động tại công ty bị thiếu hụt khá nhiều trong khoảng thời gian TP.HCM giãn cách xã hội nên để kịp đáp ứng tiến độ cho các đơn hàng đã ký kết với các đối tác nước ngoài, doanh nghiệp đã phải thông qua nhiều kênh, nhà tuyển dụng để nhanh chóng “bù đắp” lại lực lượng công nhân sản xuất tại nhà máy.
Ông Phạm Hải Long - Giám đốc Agrex cho biết, không chỉ có mức lương cao, chế độ BHXH đầy đủ, đội ngũ lao động khi được tuyển dụng vào làm việc tại nhà máy sẽ được đào tạo bài bản và chăm lo cả về mặt đời sống, sức khỏe, tinh thần. Cái khó hiện nay không chỉ riêng đối với Agrex mà nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm đang gặp phải đó chính là lực lượng lao động khan hiếm, nhất là đội ngũ có chuyên môn, tay nghề cao.
Nhiều doanh nghiệp đang thiếu lao động |
Tương tự, một chủ thầu xây dựng công trình tại TP. Thủ Đức cũng chia sẻ về tình trạng khó tuyển dụng lao động phổ thông do thời gian dịch bệnh kéo dài vừa qua. Phần lớn lao động trong lĩnh vực xây dựng đã bỏ về quê và hiện tại vẫn chưa quay trở lại thành phố́ do thời điểm này đã cận Tết Nguyên đán. Trong khi đó, càng về cuối năm, số lượng công trình cần sửa chữa, xây dựng ngày một gia tăng, dù chủ thầu đã chủ động tăng tiền lương và thêm nhiều chế độ ưu đãi khác để mời gọi nhưng lực lượng công nhân xây dựng vẫn thiếu hụt trầm trọng, khiến cho nhiều công trình bị chậm tiến độ thi công
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM, nhu cầu nhân lực năm 2022 tại TP.HCM tiếp tục phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Dự kiến toàn thành phố có 4.931.790 lao động làm việc, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,96%, công nghiệp xây dựng chiếm 37,15%, thương mại dịch vụ chiếm 61,89%. Điều đáng quan tâm chính là tỷ trọng lao động làm việc tại các doanh nghiệp là 3.127.066 người, trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm đến 74,50%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 22,49%, còn lại là số lao động làm việc trong doanh nghiệp nhà nước chiếm 3,01%.
Dự báo về nhu cầu nhân lực trong năm 2022, Trung tâm này đưa ra hai kịch bản “trái chiều” có liên quan chặt chẽ đến tình hình dịch bệnh. Cụ thể, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng phức tạp, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế, xã hội, thì dự kiến nhu cầu nhân lực chỉ cần khoảng 255.000 – 280.000 chỗ làm việc mới. Ngược lại, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, diễn biến theo chiều hướng tích cực, dự kiến nhu cầu nhân lực trong năm sẽ tăng cao hơn và cần khoảng 280.000 - 310.000 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại dịch vụ, chiếm 65,41% khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 33,63% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,96% tổng nhu cầu nhân lực năm 2022…
Theo nhận định của một số chuyên gia, năm qua là một năm chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19 với những biến chủng mới, lây lan nhanh đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Nhất là đối với thị trường lao động, tình trạng thiếu việc, mất việc diễn ra căng thẳng dẫn đến người lao động mất thu nhập có xu hướng tăng cao.
Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đến đầu tháng 10, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM cơ bản được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp đã dần khôi phục, quay trở lại sản xuất và rất cần tuyển dụng nhân sự đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Tuy nhiên, hiện một số doanh nghiệp vẫn còn hoạt động cầm chừng vì chưa đảm bảo đủ lực lượng lao động sản xuất trực tiếp, và cũng vì thăm dò tình hình dịch bệnh, đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong sản xuất. Trong thời gian tới, dự kiến nhiều lĩnh vực như khoa học ứng dụng, công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật y sinh, hóa học, sinh học, phân tích dữ liệu… và sẽ vươn lên phát triển mạnh mẽ; thị trường lao động cũng sẽ có nhiều chiều hướng phát triển tích cực trong thời gian tới.
“Để thích ứng với những thay đổi của thị trường lao động trong tình hình mới, các doanh nghiệp cần tạo nơi làm việc an toàn và lành mạnh với các chính sách làm việc linh hoạt, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút và giữ chân người lao động. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần chia sẻ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết để thích ứng, để cùng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay và hướng đến bình thường mới”, chuyên gia khuyến cáo.