Muốn giữ nhân lực, phải có chính sách đồng bộ
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng | |
Ổn định nguồn nhân lực để tái sản xuất | |
Duy trì nhân lực cho ngành du lịch |
Tích cực hỗ trợ người lao động
Ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc Việt Thắng Jean - Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua Hiệp hội đã tổ chức nhiều chuyến xe về các tỉnh để đón người lao động quay trở lại làm việc. Trước đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, 70% lượng công nhân của ngành dệt may thành phố đã phải nghỉ chờ việc. Đầu tháng 10/2021 khi TP. Hồ Chí Minh chuyển dịch trạng thái phòng chống dịch, ngành dệt may đã phục hồi. Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp sản xuất tốt đã phục hồi 100% công suất, có doanh nghiệp còn tăng gấp đôi công suất để phục vụ cho các đơn hàng cuối năm nên nhu cầu nhân lực là rất lớn.
Để có thể giúp người lao động yên tâm sản xuất, ông Việt cho biết, ngay cả trong thời gian làm việc theo mô hình “ba tại chỗ”, công ty luôn nỗ lực chăm sóc tốt nhất cho người lao động và gia đình. Hiện tại, công ty còn tổ chức giữ trẻ miễn phí, bố trí khu cách ly cho công nhân nếu là F0 có thể đến cách ly, ăn ở, thuốc điều trị miễn phí; đồng thời lao động vẫn được hưởng lương theo thực lãnh. Ngoài ra, doanh nghiệp còn dùng quỹ phúc lợi để hỗ trợ người lao động, nhất là với những hoàn cảnh khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp đã tăng lương, tăng phúc lợi để thu hút người lao động |
Còn theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA), từ sau 1/10 đến nay, hơn 95% nhà máy gỗ đã quay trở lại sản xuất với lực lượng lao động khoảng 75%. Từ tháng 11 đã có nhiều đợt tuyển dụng lao động mới.
Theo ông Phương, dù năm nay thời gian lao động phải nghỉ vì dịch kéo dài, nhưng nhiều doanh nghiệp ngành gỗ vẫn có chính sách thưởng Tết, lương tháng 13 cho người lao động đầy đủ. Hiện thống kê cho thấy lương đầu vào ngành gỗ cũng tăng 10%-15% cho lao động phổ thông. Ngoài ra, để có thể thu hút lao động, nhiều nhà máy tại Bình Dương đã có chương trình trang trải phân nửa tiền nhà trọ cho người lao động, liên kết với phòng trọ để hình thành bản đồ nhà trọ hỗ trợ công nhân. Các nhà trọ cũng có ý thức đảm bảo an toàn phòng chống dịch để người lao động yên tâm quay trở lại sản xuất.
Tại Bắc Giang, một số doanh nghiệp cũng cho biết đã bố trí hàng trăm phòng trọ miễn phí cho người lao động; hỗ trợ một phần tiền cho người lao động những tháng đầu trở lại làm việc, lập đội xe đưa đón công nhân từ các tỉnh thành lân cận về Bắc Giang…
Phải tính chuyện lâu dài
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong thời gian vừa qua, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, khi doanh nghiệp đóng cửa, người lao động chỉ có khoản tích luỹ ít ỏi để trang trải cuộc sống trong thời gian ngắn. Mặt khác, họ cũng không có nhà mà ở tạm, trong khi nhiều khu trọ san sát nhau nên sẽ làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh. Cũng không ít doanh nghiệp có một lượng người lao động chưa được ký hợp đồng, lâu nay chưa được đóng bảo hiểm nên không được hưởng một số chính sách hỗ trợ của Chính phủ, công đoàn… thu nhập của phần lớn người lao động cũng còn thấp. Đó là lý do từng đoàn người đã rời khỏi thành phố, khu công nghiệp về quê trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.
“Dịch bệnh là một lời cảnh tỉnh để doanh nghiệp nhận ra đầy đủ hơn vai trò của người lao động. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu doanh nghiệp không đánh giá đúng, không coi trọng vai trò của họ bằng cách hỗ trợ kịp thời, kể cả khi chưa có khủng hoảng và trong khủng hoảng, thì có thể sẽ có thất thoát về người lao động”, ông Hiểu nhấn mạnh.
Chính vì vậy, cần tính đến chuyện lâu dài đó là giải quyết những vấn đề về nhà ở của người lao động. Nếu họ được ở tập trung trong những khu nhà đáp ứng những nhu cầu cơ bản trong đời sống, sinh hoạt thì sẽ gắn bó hơn. Minh chứng là theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, ở các khu vực có nơi ở tập trung cho người lao động thì tỷ lệ rời về quê ít hơn.
Ngoài ra, thực tế vừa qua cũng cho thấy, việc tập trung quá nhiều khu công nghiệp ở một số địa phương không chỉ tạo ra thách thức trong quản lý, cơ sở hạ tầng, mà còn tạo ra những rủi ro khi có khủng hoảng. Do vậy, cần có thay đổi trong thời gian tới về chính sách thu hút đầu tư, đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa các vùng miền, tránh áp lực với các địa phương cụ thể.
TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, trước mắt, các doanh nghiệp cần đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi sản xuất, nâng cao khả năng y tế cơ sở, chăm lo tốt hơn an sinh cho người lao động. Ngoài ra, cần chú ý hơn tới điều kiện lao động, sinh kế, đời sống tinh thần và vật chất của người lao động để có thể đồng hành cùng doanh nghiệp.
Mặt khác trong dài hạn, “cuộc di cư” của người lao động trong thời gian vừa qua đã chỉ ra, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đều thâm dụng lao động và đây cũng là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất khi có sự đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Chính vì vậy, dần dần doanh nghiệp phải tăng cường sử dụng khoa học, công nghệ, ít thâm dụng lao động hơn.
Bên cạnh đó, lực lượng lao động phi chính thức của Việt Nam còn cao. Ngay cả trong các doanh nghiệp được đăng ký chính thức, vẫn còn khoảng 15% - 16% người lao động không được đóng bảo hiểm xã hội, dẫn đến tình hình an sinh xã hội không được đảm bảo, khi đại dịch xảy ra, bộ phận này đã gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đồng thời, phần lớn người lao động có thu nhập thấp, mức độ tích luỹ ít, không đảm bảo cuộc sống, doanh nghiệp cũng phải tìm cách dần nâng cao thu nhập của người lao động.