Cải thiện môi trường kinh doanh: 5 năm và kết quả 2 tăng, 4 giảm
Môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng hơn
Tại hội thảo công bố Báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam - Góc nhìn từ doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI cho rằng, trong 5 năm qua, việc rà xét, cắt giảm thủ tục kinh doanh đã được thực hiện mạnh mẽ. Cụ thể như năm 2016 đã có cuộc cách mạng đầu tiên, bãi bỏ, chuyển đổi hàng ngàn điều kiện kinh doanh hay nói cách khác là xóa bỏ các “giấy phép con”.
Năm 2018 ghi dấu bằng việc cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành. Theo báo cáo của các bộ, ngành, có 50% - 60% các thủ tục được cắt giảm. Bước sang năm 2020 có Nghị quyết yêu cầu cắt giảm 20% các quy định liên quan đến kinh doanh, kèm theo đó là mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả năm 2020, thúc đẩy thực hiện Chính phủ điện tử hướng tới xây dựng Chính phủ số.
Ông Lộc phân tích, trong quá trình thực hiện cải cách, Chính phủ có hai thước đo quan trọng để đánh giá mức độ hiệu quả. Thứ nhất, lần đầu tiên đã căn cứ theo các chuẩn mực quốc tế, đánh giá của Ngân hàng Thế giới để làm mục tiêu, chuẩn mực phát triển cải cách môi trường kinh doanh trong nước.
Thứ hai là thước đo về sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, sự đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về cải cách của Chính phủ, tiếng nói của kinh tế tư nhân đã được coi trọng. Chính hai thước đo này đã trở thành động lực và cũng là áp lực để cải cách.
Đặc biệt, Chủ tịch VCCI cho rằng đã có “2 tăng, 4 giảm” trong môi trường kinh doanh 5 năm vừa qua.
Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp tin tưởng sẵn sàng khởi kiện ra tòa án khi có tranh chấp thương mại đã tăng từ năm 2016 đến nay, cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào các thiết chế bảo vệ doanh nghiệp đã tăng. Tỷ lệ doanh nghiệp có phản hồi tích cực khi làm thủ tục hành chính, cán bộ nhà nước hướng dẫn thủ tục đầy đủ đã tăng liên tục trong những năm gần đây.
Cùng với đó, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng chính quyền ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI đã giảm liên tục trong nhiều năm. Tỷ lệ doanh nghiệp bị trộm cắp hay phải trả tiền cho các nhóm côn đồ giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp phải trả các chi phí không chính thức và quy mô mức chi trả giảm. Bên cạnh đó, tỷ lệ các doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra trùng lặp cũng đã giảm.
Theo đó, môi trường kinh doanh đã trở nên an toàn hơn, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, thủ tục hành chính đã được cải thiện, tạo điều kiện lớn cho doanh nghiệp.
Niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh ngày một tăng cao - Ảnh: TTXVN |
Thách thức đối với cải cách còn rất lớn
Theo ông Vũ Tiến Lộc, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc cải cách môi trường kinh doanh. Đơn cử như với việc cải cách tư pháp, tỷ lệ thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự lại giảm. Về công khai minh bạch, tuy đã minh bạch được quy định thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh nhưng kế hoạch báo cáo của cơ quan nhà nước để doanh nghiệp tiếp cận thì trở nên khó khăn hơn. Ngày càng nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng thông tin công bố chung chung, không có ý nghĩa nhiều để doanh nghiệp sử dụng.
Về cạnh tranh bình đẳng, đã giảm sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng sự bất bình đẳng với doanh nghiệp “sân sau” là đáng lo ngại.
Đối với gia nhập thị trường, tuy đã giảm các điều kiện gia nhập thị trường trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhưng đối với các lĩnh vực yêu cầu đầu tư lớn, thu hồi vốn kéo dài, có rủi ro… vẫn có nhiều bất cập trong việc thu hút vốn đầu tư.
Về Chính phủ điện tử, tuy nhiều dịch vụ đã được đưa lên, nhưng để các dịch vụ này thân thiện với người dân, dễ làm, không xảy ra lỗi vẫn là một điều khó khăn và cần phải quan tâm trong thời gian tới.
Chính vì vậy, những thách thức cần đặt ra đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh trong 5 năm tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì đã làm được. “Đây chính là lúc cần có sự chung tay góp sức của tất cả các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan, từng cán bộ trong bộ máy nhà nước, không chỉ bằng công sức mà còn phải cả trí tuệ để có thể tiếp tục đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam tiến lên”, ông Vũ Tiến Lộc nói.