Cán cân thương mại đã đảo chiều?
Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định UKVFTA | |
Doanh nghiệp xuất khẩu: Chịu nhiều sức ép từ phòng vệ thương mại | |
Ngành thương mại, dịch vụ lao đao trong “sóng” dịch |
Trong bức tranh tích cực, lo ngại đã xuất hiện
Số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 5, thương mại hàng hóa đã thâm hụt tới 1,93 tỷ USD trong kỳ 1 tháng 5, kéo cán cân thương mại đảo chiều.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/5/2021 đạt 233,95 tỷ USD, tăng 32,4% (tăng 57,26 tỷ USD về số tuyệt đối) so với cùng kỳ năm 2020 cho thấy đà phục hồi rất khả quan của thương mại hàng hóa trong năm nay. Nhưng nhìn vào số liệu tháng của kỳ 1 tháng 5 đã thấy có biểu hiện đáng chú ý. Đó là tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa sụt giảm 6,8% (giảm 1,87 tỷ USD, chỉ đạt 25,7 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 4/2021.
Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu chỉ đạt 11,89 tỷ USD, giảm 14,1% (giảm 1,94 tỷ USD) thì nhập khẩu vẫn tăng nhẹ 0,5%, đạt 13,82 tỷ USD trong kỳ 1 tháng 5 so với kỳ 2 tháng 4/2021, khiến cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt tới 1,93 tỷ USD trong kỳ 1 tháng 5, đồng thời kéo cán cân thương mại của cả giai đoạn từ đầu năm đến 15/5 (hết 4 tháng đầu năm vẫn xuất siêu 1,29 tỷ USD) đảo chiều sang nhập siêu nhẹ (353 triệu USD). Điều này đặt ra những lo ngại nhất định với xuất khẩu - một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng hiện nay.
Nhìn tổng thể, xuất khẩu năm nay vẫn có nhiều yếu tố thuận lợi |
Bóc tách kỹ hơn về xuất khẩu kỳ 1 tháng 5, có thể thấy tình hình vẫn tích cực khi nhiều nhóm hàng xuất khẩu chính vẫn có mức tăng trưởng tốt. Nhưng do phần nhập khẩu mạnh hơn, đặc biệt trong nửa đầu tháng 5 khiến tình trạng thâm hụt xảy ra.
Theo các chuyên gia, rất khó để đưa ra các nhận định sát nhất về chiều hướng của xuất khẩu khi chỉ nhìn vào biến động của các kỳ ngắn hạn trong nửa tháng như vậy. Bởi biến động lớn của số liệu mỗi kỳ nửa tháng là điều hết sức bình thường và không thể căn cứ vào đó để cho rằng xuất khẩu tiêu cực đi (nhất là khi tình trạng nhập siêu xuất hiện) hay đã tích cực lên. Tuy nhiên, nếu tình trạng này lặp lại kéo dài nhiều kỳ, nhiều tháng thì nguy cơ nhập siêu trong cả năm nay cũng lớn dần.
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, nhìn tổng thể, xuất khẩu năm nay vẫn có nhiều yếu tố thuận lợi. Đặc biệt về mặt thị trường, hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU… phục hồi khá tốt, giúp cầu tăng cao. Trong khi đó, các FTA gần đây, đặc biệt là EVFTA chúng ta đã bắt đầu tận dụng được.
Tuy nhiên chuyên gia này cũng thừa nhận, xuất khẩu của Việt Nam hiện đứng trước những thách thức lớn hơn. Một trong số đó là là rủi ro đứt gãy, gián đoạn về chuỗi cung ứng. “Logistics vẫn đang gặp khó khăn trong khi doanh nghiệp các nước đẩy mạnh cạnh tranh tích trữ nguyên liệu đầu vào khiến giá tăng mạnh, rõ nhất là trong các mặt hàng về linh kiện điện tử, nguồn cung chip hạn chế…”, TS. Thành chỉ ra. Trong khi đó, trong nước đang đối mặt với làn sóng dịch Covid thứ 4 khiến một số tỉnh thành phải áp dụng các giãn cách xã hội ở một nơi và đặc biệt là việc xuất hiện dịch tại khu công nghiệp (KCN) ở một số tỉnh thành khiến nguồn cung lao động bị chững lại, hoạt động sản xuất ở một vài doanh nghiệp phải tạm dừng hoặc bị ảnh hưởng nhất định.
Vì vậy, điều mà chúng ta lo lắng là lỡ mất cơ hội về thời điểm để tận dụng được sức cầu của thị trường bên ngoài đang lớn hơn hiện nay. Thực tế, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở một số địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu lớn (từ 10 tỷ USD trở lên, tính trong 4 tháng đầu năm) như Bắc Ninh, Hà Nội và đặc biệt là Bắc Giang… là những diễn biến đáng quan ngại, gây áp lực không nhỏ cho xuất khẩu trong thời gian trước mắt.
Dập dịch để giữ vững được động lực
Theo TS. Thành, việc tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, khống chế dịch nhanh nhưng phải “khéo” để tiếp tục duy trì được các hoạt động kinh doanh trong lúc này là rất quan trọng. Đồng thời, cần triển khai các giải pháp để hạn chế, kiềm chế và giảm thiểu tác động tiêu cực của tốc độ tăng giá nguyên, vật liệu, linh kiện đầu vào. “Tại một số nước, bên cạnh các giải pháp khơi thông, tìm hiểu thị trường đối tác thì cũng đã giảm thuế nhập khẩu với các nguyên liệu đầu vào. Trong khi để hạn chế xuất khẩu, họ tìm cách tăng thuế lên”, TS. Thành nêu gợi ý. Cùng với đó, các giải pháp thường trực khác vẫn phải thực hiện để chống các hành vi đầu cơ, trục lợi.
Từ góc độ các cơ quan quản lý, mới đây, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 07 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Trong đó, yêu cầu các vụ, cục liên quan, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cập nhật kịp thời tình hình, diễn biến dịch bệnh Covid-19 có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước. Từ đó đề xuất các biện pháp để duy trì, phát triển thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện là đầu vào để đảm bảo ổn định sản xuất trong nước. Trong khi đó, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương cũng đang phối hợp, khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống, ngăn chặn, dập dịch trong các KCN, đặc biệt tại các điểm nóng như Bắc Giang, Bắc Ninh.
Xuất khẩu và đầu tư công được xem là hai trong số những động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế năm nay. Vậy nên việc xuất khẩu tạm thời gặp thách thức lớn hơn cũng cho thấy áp lực lớn hơn. Tuy nhiên, TS.Thành kỳ vọng đợt dịch này sẽ được kiểm soát cơ bản trong tháng 6 tới, và các yếu tố hỗ trợ cho xuất khẩu tốt lên như đề ở trên sẽ được tận dụng, trong khi hoạt động đầu tư công cũng được triển khai mạnh mẽ và rõ nét hơn, qua đó đóng góp cho tăng trưởng chung.
Như vậy, trong bối cảnh nhu cầu các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam hồi phục mạnh tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu bứt phá, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GDP năm nay thì giá linh kiện, nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng nhanh, cùng với đó là xuất hiện các ca lây nhiễm Covid trong các KCN đe dọa đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng lại đang là những thách thức lớn để hiện thực hóa cơ hội này. Điều này một lần nữa cho thấy việc thực hiện mục tiêu kép, trong đó ngắn hạn là ưu tiên dập dịch thứ 4 này, đặc biệt trong các KCN là vô cùng cần thiết và cấp bách để giữ cho được động lực xuất khẩu năm nay.