Doanh nghiệp xuất khẩu: Chịu nhiều sức ép từ phòng vệ thương mại
Thuế phòng vệ thương mại tạo sức bật cạnh tranh | |
Chủ động phòng vệ trong hội nhập toàn cầu | |
Cần chủ động đối phó phòng vệ thương mại |
Xuất khẩu Việt Nam đang đạt được bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Đặc biệt, những lợi thế từ các FTA mà Việt Nam tham gia mang lại nhiều cơ hội mở rộng thị trường. Tuy nhiên nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tạo ra sức cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ của họ điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Với bối cảnh như vậy, các chuyên gia nhấn mạnh, doanh nghiệp khi tham gia hội nhập cần phải trang bị đủ các kiến thức để tận dụng tối đa lợi thế.
Xuất khẩu đang đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,3 tỷ USD, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,8 tỷ USD, tăng 32,4%; thị trường EU đạt 12,6 tỷ USD, tăng 18,1%; thị trường ASEAN đạt 8,8 tỷ USD, tăng 13,3%; Hàn Quốc đạt 6,9 tỷ USD, tăng 12,1%; Nhật Bản đạt 6,5 tỷ USD, tăng 1,5%. Đặc biệt, xuất khẩu hàng hóa sang nhiều quốc gia mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP hay UKVFTA đều ghi nhận tăng mạnh.
Các vụ kiện về phòng vệ thương mại tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp xuất khẩu |
Theo các chuyên gia, khi tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia cam kết cắt giảm những rào cản thương mại để hàng hoá có thể lưu thông một cách tối đa qua biên giới các nước. Tuy nhiên xu thế bảo hộ vẫn gia tăng, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn còn nhiều diễn biến phức tạp cũng đã và đang tạo nguy cơ tiềm ẩn, tác động trực tiếp cũng như gián tiếp đến các ngành hàng xuất khẩu cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu. Năm 2020, đã có 39 vụ kiện mới với hàng hóa nước ta, cao gấp hơn 2,5 lần tổng số vụ việc trong cả năm 2019.
Trên thực tế, từ đầu năm 2021 đến nay, tình trạng các doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam bị dính vào những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế… có xu hướng gia tăng và những thông tin hàng Việt bị kiện cũng liên tục được Cục Phòng vệ thương mại công bố. Đơn cử như mới đây, ngày 5/5/2021, Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (Cơ quan điều tra - CBSA) đã ban hành Thông báo kết luận điều tra sơ bộ trong vụ việc Canađa điều tra chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) đối với ghế bọc đệm của Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó, CBSA quyết định áp dụng thuế CBPG và CTC tạm thời đối với ghế bọc đệm kể từ ngày 5/5/2021. Mức thuế CTC đối với các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng từ 0% tới 11,73%. Ngày 22/4/2021, Cục PVTM nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra CBPG đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Argentina, Braxin, Ấn Độ, Ucraina và Việt Nam. Đây là lần đầu tiên sản phẩm mật ong của Việt Nam có nguy cơ bị điều tra về PVTM…
Việc Việt Nam đối mặt với nhiều vụ kiện PVTM là điều tất yếu, không thể tránh khỏi khi tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, do kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh. Bên cạnh đó, xu hướng nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn do đại dịch khiến nhiều nước phải sử dụng bảo hộ hàng trong nước nhằm hỗ trợ ngành sản xuất nội địa của mình. Điều này khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải đối diện nhiều khó khăn hơn trong việc xử lý các vụ việc PVTM do các vụ việc ngày càng có tính chất phức tạp hơn, ảnh hưởng không nhỏ tới lợi ích của doanh nghiệp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần thiết phải nâng cao kiến thức cũng như am hiểu luật, các cam kết của các FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Theo Cục PVTM, hiện các doanh nghiệp lớn đều đã trang bị các kiến thức về vấn đề này song DNNVV chưa có hiểu biết nhiều. Các doanh nghiệp xuất khẩu trong quá trình xuất khẩu phải luôn theo dõi sát thông tin, thường xuyên trao đổi với đối tác nhập khẩu, kể cả những thông tin về rào cản thương mại có nguy cơ áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu như rào cản hành chính, rào cản kỹ thuật trong thương mại để nắm bắt thông tin sớm về khả năng bị kiện, vận động sớm để cơ quan điều tra không khởi xướng vụ việc, hoặc đề nghị nhà nhập khẩu bình luận, bày tỏ ý kiến được cơ quan điều tra xem xét… Trong trường hợp có vụ kiện PVTM xảy ra, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động tham gia, xử lý, hợp tác toàn diện với cơ quan điều tra để tránh bị áp dụng những thông tin bất lợi.
Trước bối cảnh các vụ kiện về PVTM tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công thương khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành và hiệp hội liên quan để thực hiện nhiệm vụ kháng kiện, tiến hành trao đổi song phương với các cơ quan cùng cấp tại các nước nhập khẩu. Yêu cầu các quốc gia tuân thủ quy định của WTO cũng như các điều khoản ký kết trong các Hiệp định FTA khi áp dụng các biện pháp PVTM để góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam ứng phó kịp thời với các vụ kiện PVTM do nước ngoài khởi xướng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp trong nước.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho rằng, trong thời gian tới, để hỗ trợ các doanh nghiệp hạn chế những rủi ro, Cục PVTM sẽ phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Đề án về nâng cao năng lực PVTM trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới và Đề án về nâng cao năng lực phối hợp trong PVTM sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, Cục tiếp tục triển khai Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM; trong đó chú trọng hoạt động cung cấp thông tin cảnh báo sớm cho các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp...
Cho đến hết quý I/2021, đã có 203 vụ việc PVTM do 21 quốc gia/vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bộ Công thương đã điều tra 23 vụ việc PVTM, gồm 15 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi, đường… Trong số đó, Bộ Công thương đã ban hành quyết định áp dụng 7 biện pháp chống bán phá giá, 5 biện pháp tự vệ và 1 biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ. |