Cân nhắc tăng trần giá vé máy bay
Giá vé máy bay sẽ tăng cao Giá vé máy bay chạm đỉnh giữa cao điểm hè Bộ Giao thông vận tải: Chưa bỏ trần giá vé máy bay |
Vé khứ hồi có thể đắt hơn hàng triệu đồng
Theo Dự thảo Thông tư sửa đổi một số điều của Thông tư 17/2019/TT-BGTVT về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa đang được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tăng mức giá tối đa với các đường bay từ 500 km trở lên.
Cụ thể, các đường bay từ 500 - 850 km, mức giá tối đa đề xuất là 2,25 triệu đồng/vé một chiều, tăng 50.000 đồng so với quy định hiện hành. Đường bay từ 850 - 1.000 km, mức giá tối đa đề xuất là 2,89 triệu đồng/vé, tăng 100.000 đồng. Đường bay từ 1.000 - 1.280 km, mức giá tối đa 3,4 triệu đồng/vé, tăng 200.000 đồng. Với đường bay từ 1.280 km trở lên, mức giá tối đa là 4 triệu đồng/vé, tăng 250.000 đồng.
Mức giá kể trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách cũng như các dịch vụ bảo đảm an ninh, giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm.
Như vậy, so với mức giá hiện hành, nếu đề xuất tăng trần giá vé máy bay được chấp thuận thì giá vé máy bay cao nhất đối với các chặng bay từ TP. Hồ Chí Minh – Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh – Hải Phòng, Cần Thơ, Phú Quốc – Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… có thể sẽ tăng thêm từ 300.000-500.000 đồng/vé. Nếu khách hàng mua vé khứ hồi tự túc, đi ngay về ngay có thể sẽ phải chi thêm khoảng 1 triệu đồng. Chưa kể rằng, các đợt lễ tết cao điểm trong năm, giá vé có thể tăng gấp 1,5-2 lần so với ngày thường, chi phí phải chi thêm có thể lên đến vài triệu đồng.
Quan điểm của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) về vấn đề này khá đơn giản. Theo đó, ông Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký VABA cho rằng, ngành hàng không hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, các doanh nghiệp phải tính toán lại các chi phí hoạt động để vận hành, vừa đảm bảo cân đối hiệu quả kinh doanh vừa đáp ứng nhu cầu di chuyển, vận tải đường hàng không hành khách. Trong đó, việc tăng trần giá vé cũng là đề xuất hợp lý. Việc tăng trần cũng sẽ giúp các doanh nghiệp thiết kế nhiều mức giá vé cho các chặng bay, tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng.
Riêng về mức tăng giá trần, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, việc tăng giá bao nhiêu phải tuân thủ theo quy trình, trình tự, phương pháp đối với hoạt động định giá.
“Hiện nay có nhiều yếu tố thành giá vé máy bay. Để đánh giá rõ, để tính toán mức tăng bao nhiêu thì bộ GTVT sẽ có tính toán. Tăng ở mức nào thì trên cơ sở đánh giá chi phí, tình hình thị trường khi đó sẽ có quy định cụ thể”, vị đại diện này cho biết
Cơ hội tiếp cận vé rẻ khó hơn
Theo bà Nguyễn Thanh Hằng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dòng chảy công nghệ Techstream, việc điều chỉnh tăng giá trần đối với các đường bay dài cần tính toán kỹ bởi hiện nay những “chặng bay vàng” như Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh lượng khách hàng có nhu cầu di chuyển hàng ngày rất lớn.
Nếu giá trần vé máy bay tăng lên, khách hàng lẻ như cá nhân, nhóm bạn, gia đình… đi lại bằng máy bay sẽ cân nhắc, thắt chặt chi tiêu, hạn chế đi lại. Trong khi đó, khách đi theo đoàn khi chi phí tăng, sẽ khiến các đơn vị du lịch phải cân đối chi phí khi mở bán các tour do doanh nghiệp. Bởi bản thân doanh nghiệp cũng sẽ tính toán đi các tour gần để tiết kiệm chi phí. Đồng thời, nhóm khách đoàn đi công tác thường xuyên cũng sẽ tiết giảm bằng cách họp online hoặc lựa chọn phương tiện khác để di chuyển.
Hiện khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không luôn chiếm tỉ lệ cao nhất (hơn 80% vào năm 2019) so với đường bộ, đường biển. Vì vậy, hàng không luôn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Ông Phạm Hà - Chủ tịch kiêm CEO Lux Group cho biết, giá vé máy bay cao sẽ làm cho khách ít sự lựa chọn và là yếu tố tác động tới việc khách quyết định không đến hoặc không trở lại Việt Nam. |
Ở góc độ thị trường, ông Nguyễn Việt Tấn, một đại lý bán vé máy bay lâu năm tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, về lý thuyết tăng mức trần giá vé máy bay sẽ tạo điều kiện cho các hãng bay thiết kế thêm nhiều loại giá vé khác nhau, thêm vào các dịch vụ đi kèm, đa dạng các lựa chọn từ vé rẻ nhất đến vé đắt nhất cùng giờ, cùng chặng bay. Từ đó khách hàng có nhiều lựa chọn hơn.
Tuy nhiên, việc tăng thêm nhiều lựa chọn không đồng nghĩa với việc các hãng bay phải thiết kế thêm nhiều loại vé rẻ, vé khuyến mại, vé bình dân. Thậm chí, các hãng bay có thể phát hành rất ít các loại vé giá rẻ, thay vào đó tăng thêm các vé giá cao hơn có cộng gộp một số dịch vụ đi kèm, để vin vào lý do là tăng chất lượng phục vụ. Vì thế, có thể việc tăng trần giá vé sẽ khiến cho lượng vé máy bay giá rẻ ít đi, và việc săn vé rẻ sẽ khó khăn hơn với người tiêu dùng.
Cũng liên quan đến trần giá vé máy bay, trong tuần vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi). Theo đó, thống nhất vẫn giữ quy định khung giá với vé máy bay, tức áp giá trần với mặt hàng này. Lý do được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra là hiện nay cả nước có 6 hãng hàng không khai thác các tuyến nội địa, nhưng thực tế vẫn do 3 hãng lớn nắm thị phần, trong đó Vietnam Airlines khoảng 35%, Vietjet Air 40% và Bamboo Airway 16%.
Theo Luật Cạnh tranh, thị trường này có tính cạnh tranh hạn chế, trước mắt Nhà nước vẫn cần công cụ quản lý giá dịch vụ hàng không nội địa để ổn định thị trường. Về lâu dài, khi các loại hình giao thông phát triển đồng bộ, nhiều lựa chọn, Nhà nước sẽ tính toán quy định giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa phù hợp. Riêng đối với việc tăng trần giá vé, hiện Dự thảo Thông tư sửa đổi một số điều của Thông tư 17/2019/TT-BGTVT vẫn đang được lấy ý kiến nên chưa có quy định chính thức. Mức tăng trần giá vé do Bộ GTVT đề xuất trung bình là khoảng 3,75% so với hiện tại.