Cao su tận dụng cơ hội bứt phá?
Cao su đã có dấu hiệu trở lại? | |
Cao su chuyển hướng vào thị trường nội | |
Bất cập phát triển vùng cao su |
Mới đây, CTCP Cao su Đà Nẵng (mã DRC) công bố Báo cáo tài chính quý II/2016 với kết quả doanh thu thuần đạt 888 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 110 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của DRC đạt 1.634 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 198 tỷ đồng.
Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, DRC đã hoàn thành được gần 50% kế hoạch doanh thu năm đặt ra dù trong bối cảnh thị trường chung chưa mấy khởi sắc.
Tương tự, CTCP Cao su miền Nam (CSM) cho biết tình hình hoạt động kinh doanh quý II/2016 và 6 tháng đầu năm dù có sự sụt giảm so với cùng kỳ, nhưng vẫn đạt được kết quả tương đối khả quan.
Trong quý II, doanh thu của CSM đạt 807 tỷ đồng và còn lại 62 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tính chung 6 tháng đầu năm, CSM đạt 1.491 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế là 124 tỷ đồng. Với kết quả này, CSM cũng hoàn thành xấp xỉ gần một nửa kế hoạch lợi nhuận mà DN đặt ra...
Ảnh minh họa |
Mặc dù nhiều DN trong nước cho biết, những tháng đầu năm nay, tình hình hoạt động kinh doanh của các DN ngành hàng cao su có biểu hiện chững lại, nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 10%/năm.
Đặc biệt, đối với những DN chế biến sâu, xuất khẩu thành phẩm đi các nước thì có thể nói trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 đã tạo ra cơ hội để những DN này cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, đầu tư nhà xưởng, máy móc công nghệ do gặt hái được một số thành công nhất định.
Theo đại diện của CSM, trong bối cảnh thị trường cao su có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là giai đoạn từ giữa năm 2014 đến nay, giá cao su nguyên liệu xuống thấp, có thời điểm được cho là “chạm đáy” nên một số DN chế biến xuất khẩu đã nhanh chóng tận dụng cơ hội này thu mua bán ra thị trường quốc tế với giá chênh lệch cao.
Riêng CSM còn thành công trong việc chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm lốp cao su radial và đã thu được hàng trăm tỷ đồng cho công ty ngay từ quý II năm ngoái và được thị trường quốc tế đón nhận. Với kết quả này công ty đã mạnh dạn đầu tư 3.000 tỷ đồng để mở rộng nhà máy và mua sắm trang thiết bị công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại.
Thừa nhận về sự thay đổi của nhiều DN trong giai đoạn kinh doanh vừa qua, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội cao su, nhựa TP. Hồ Chí Minh cho biết, giá thu mua nguyên liệu trong nước phụ thuộc nhiều vào giá cả lên xuống của thế giới chứ các DN trong nước khó có thể quyết định được.
Hơn nữa, dù biết có những thời điểm giá xuống rất thấp, nhưng không phải DN nào cũng đủ tiềm lực tài chính để thu mua, gom hàng.
Mặt khác, khi có nguyên liệu dồi dào trong tay nhưng không có khả năng để chuyển đổi, chế biến thành mặt hàng, sản phẩm đạt giá trị gia tăng cao mà đối tác yêu cầu thì chẳng khác gì mang khó vào thân bởi không dễ dàng gì đẩy được hàng đi trong bối cảnh thị trường bấy giờ.
Cùng chung quan điểm này, ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho rằng, dự kiến thị trường cao su cuối năm nay cũng như vài năm tới sẽ có sự chuyển biến. Tuy nhiên, nếu vẫn giữ cách làm cũ xuất thô thay vì chế biến sâu, nghiên cứu đầu tư sản xuất thành phẩm thì DN cao su trong nước sẽ khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn của chính mình.