Chống chuyển giá còn nhiều gian nan
Kỳ vọng FDI
Bà Đinh Mai Hạnh |
Trong suốt hơn 30 năm đổi mới vừa qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh những đóng góp tích cực thì khu vực FDI thực tế chưa có được sự lan tỏa về công nghệ, kinh nghiệm và kỹ năng quản trị tiên tiến sang DN Việt như kỳ vọng. Bên cạnh đó cũng đã bộc lộ mặt trái, trong đó xuất hiện một số DN phát sinh giao dịch liên kết (GDLK) đã xuất hiện hành vi chuyển giá.
Số liệu thống kê kết quả thanh kiểm tra chống chuyển giá cho thấy hoạt động chuyển giá đáng báo động. Các hành vi chuyển giá gây thất thu cho ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng trong nhiều năm qua.
Để ngăn chặn các hành vi chuyển giá và kiểm soát giao dịch liên kết, trong 15 năm qua tại Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền đã rất nỗ lực trong việc hoàn thiện khung pháp lý về quản lý GDLK. Có thể kể đến Thông tư chính thức đầu tiên về giao dịch liên kết là Thông tư 117/2005/TT-BTC ngày 19/12/2005 của Bộ Tài chính. 7 năm sau, quy định pháp lý về GDLK lại được nâng lên một tầm bằng Nghị định 20/2017/NĐ-CP được Thủ tướng ban hành ngày 24/2/2017.
Đáng chú ý là thời điểm Nghị định 20 được ban hành là trong lúc Chính phủ đang xem xét đến các chương trình cải cách thuế tham chiếu đến các chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (BEPS) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Song để chống chuyển giá và GDLK có hiệu quả, nhưng không làm khó cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh minh bạch, mới đây nhất vào ngày 24/6/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 20 để tháo gỡ khó khăn cho DN có cơ cấu vốn vay lớn. Tiếp đó ngày 5/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có GDLK.
Nghị định 132 có nhiều điểm mới nổi bật. Trước hết là thu hẹp lại biên độ thị trường, thứ hai là cũng kế thừa các nội dung của Nghị định 68 về mức khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập DN. Theo đó, quy định đã nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%; cho phép bù trừ chi phí lãi vay với lãi tiền gửi và cho vay, mở rộng đối tượng được miễn áp dụng quy định khống chế. Nghị định 132 cũng bảo đảm thuận lợi cho người nộp thuế và cam kết của Việt Nam khi tham gia diễn đàn BEPS của OECD, phù hợp điều kiện bối cảnh của Việt Nam về thay đổi thời điểm nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia.
Cần tăng cường công tác kiểm toán, thanh tra kiểm tra để chống chuyển giá |
Đặc biệt, các quy định quản lý GDLK được Chính phủ ban hành là để xây dựng khuôn khổ quy định giá chuyển nhượng phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng cường tính minh bạch, rõ ràng trong công tác quản lý thuế đối với các DN có GDLK. Tuy nhiên mặt trái của FDI và chuyển giá thông qua các GDLK vẫn là vấn đề cần lưu tâm.
Nghi án chuyển giá…
Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho thấy hàng năm đã phát hiện nhiều hoạt động chuyển giá của DN FDI. Số DN có hành vi chuyển giá và số DN cơ quan thuế thanh tra kiểm tra về GDLK cũng không ít. Đơn cử trong năm 2020, số DN được thanh, kiểm tra về GDLK được ghi nhận là 339 DN có hoạt động GDLK; truy thu, truy hoàn và phạt 681,51 tỷ đồng; giảm lỗ 10.046,23 tỷ đồng; giảm khấu trừ 9,25 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 5.840,82 tỷ đồng. Trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với GDLK đã truy thu 361,02 tỷ đồng, giảm lỗ 3.874,01 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu 4.632,93 tỷ đồng.
Trên thực tế GDLK đang là vấn đề của cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam và nó xảy ra ở cả DN nội địa và DN FDI. Mới đây, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế và các Cục Thuế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với nhóm DN FDI có dấu hiệu chuyển giá. Trong báo cáo gửi Thủ tướng tháng 12/2020 về kết quả phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của 22.603 DN FDI, Bộ Tài chính cho biết, có tới 55% trong số này thua lỗ, doanh thu của các DN báo lỗ năm 2019 là 846.894 tỷ đồng, tăng 12,7% so với doanh thu của các DN báo lỗ năm 2018. Đặc biệt, có 66% số DN lỗ lũy kế với tổng trị giá lỗ luỹ kế là 520.742 tỷ đồng, bằng 41% vốn đầu tư của chủ sở hữu. Doanh thu của các DN lỗ lũy kế năm 2019 là 1.326.903 tỷ đồng, tăng 20,4% so với doanh thu của các DN có lỗ lũy kế năm 2018. Số lượng DN lỗ mất vốn năm 2019 là 3.545 DN, chiếm 15,7% trong tổng số DN có báo cáo, tăng 24,2% so với số DN lỗ mất vốn năm 2018, với tổng giá trị vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính là âm (-) 103.890 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số này có tới 2.160 DN ghi nhận doanh thu vẫn tăng trưởng.
Nguồn: Tổng cục Thuế |
Với những số liệu mà Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ, vẫn còn một số DN có thực hiện GDLK với các công ty trong tập đoàn có dấu hiệu chuyển giá gây thất thoát, thiệt hại cho NSNN và đẩy DN làm ăn chân chính vào cuộc cạnh tranh không công bằng.
Những con số trên cho thấy, chống chuyển giá là một việc không dễ dàng gì đối với bất cứ quốc gia nào. Trong khi đó, hiện Việt Nam đã, đang và vẫn muốn thu hút ngày càng nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư của DN. Bởi vậy, bên cạnh những chính sách và cơ chế thông thoáng, tạo thuận lợi nhất cho DN hoạt động thì khung pháp lý về GDLK cần được xây dựng và hoàn thiện hơn nữa.
Cần tăng cường công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra đối với nhóm FDI có dấu hiệu chuyển giá đồng thời nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của DN. Tuy nhiên, để việc thanh tra giá chuyển nhượng ngày càng hiệu quả, minh bạch và quyết liệt hơn, ngành Thuế đã có những thay đổi linh hoạt trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế như tăng cường kiểm tra chuyên sâu hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế, làm việc với người nộp thuế qua các phương tiện điện tử, điện thoại. Cách làm này vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế nhưng vẫn đảm bảo tính tuân thủ và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trong tình hình dịch bệnh.
Theo đó, người nộp thuế nên chủ động tìm hiểu về các quy định mới, đồng thời đưa ra phản hồi về các vướng mắc gặp phải cũng như các ý kiến đề xuất. Cơ quan thuế tăng cường thông qua các cơ quan truyền thông, báo chí để giải thích thêm về thông lệ quốc tế, đạo lý của việc áp dụng quy định theo tinh thần chung của các thông lệ và quy định quốc tế cho người nộp thuế được biết.
Trên thực tế, cơ quan thuế vẫn đang tiếp tục lắng nghe, thu thập ý kiến của người nộp thuế, đại diện các hiệp hội DN và cộng đồng DN để có các sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế và cuộc chiến chống chuyển giá đạt hiệu quả ngày càng cao.
Qua quá trình thanh tra thuế đối với các DN có GDLK, cơ quan Thuế đã chỉ ra một số dấu hiệu chuyển giá thường gặp có thể kể đến như sau: hoạt động lỗ liên tục trong thời gian dài, phát sinh chi phí dịch vụ nội bộ tập đoàn lớn nhưng không chứng minh được dịch vụ thực tế phát sinh, định giá cao máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và giá bán thấp khi xuất khẩu sản phẩm, trả lãi vay với lãi suất cao... |