Chủ động phòng vệ trong hội nhập toàn cầu
Cần chủ động đối phó phòng vệ thương mại | |
Cần ứng phó hiệu quả với phòng vệ thương mại |
Ngành thép phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đối mặt với các vụ việc PVTM |
Thay đổi từ nhận thức
Nếu như năm 2019 mới ghi nhận 16 vụ việc khởi xướng mới thì chỉ 9 tháng của năm 2020 đã ghi nhận số lượng vụ việc tăng gấp đôi (32 vụ việc). Nguyên nhân một phần cũng bởi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, mâu thuẫn thương mại giữa nhiều nền kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp thì xu thế sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại để bảo hộ sản xuất trên thế giới tiếp tục gia tăng.
Theo nhận định của chuyên gia, sở dĩ ngày càng xuất hiện nhiều vụ kiện liên quan đến PVTM là do năng lực sản xuất của DN trong nước tăng cao, các mặt hàng đa dạng về chủng loại và có sự tăng trưởng nhanh về kim ngạch. Đặc biệt, đến nay Việt Nam đã và đang tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), nên hàng rào thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được dỡ bỏ ngày càng nhiều. Điều này, khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có tính cạnh tranh cao hơn tại các thị trường nhập khẩu, tạo áp lực đối với nhà sản xuất nội địa, buộc họ phải tìm đến các công cụ chính sách thương mại hợp pháp để bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, đối diện trước các vụ việc về PVTM, một số DN bước đầu đã có kinh nghiệm, chủ động bố trí nguồn lực và hợp tác tích cực với cơ quan thẩm quyền trong và ngoài nước trong quá trình điều tra. Đặc biệt, các DN đã nhận thức được việc chỉ thông qua sự chuẩn bị đầy đủ và hợp tác với cơ quan điều tra, các DN mới có khả năng không bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) hoặc nếu có bị áp thuế cũng với mức thuế suất không cao.
Về phía Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM” với mục đích ngăn ngừa và ứng phó với các vụ kiện PVTM của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.
Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ứng phó
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, riêng đối với ngành gỗ Việt Nam ngày càng có nguy cơ phải đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện PVTM, đặc biệt là kiện chống lẩn tránh thuế. Nếu các vụ việc liên quan tới sản phẩm gỗ nhiều năm trước vắng bóng, nhưng từ năm 2019 đến nay việc bị điều tra lại diễn ra khá dồn dập. Năm 2020, Việt Nam liên tiếp bị Ấn Độ điều tra CBPG với mặt hàng gỗ ván MDF và Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế với gỗ dán...
“Để kiểm soát tốt các nguy cơ, giảm tối đa thiệt hại, các DN xuất khẩu phải quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm bởi muốn giữ và mở rộng được thị trường, ngoài hàng hóa chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu, thị hiếu khách hàng còn phải chứng minh được tính minh bạch. DN xuất khẩu cần sớm xây dựng đội ngũ về lĩnh vực PVTM trong nội bộ, không nên đến lúc bị điều tra mới lo ứng phó. Cũng như, chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống sản phẩm bị điều tra và nếu chuẩn bị kỹ sẽ vượt qua được “hàng rào” CBPG. Đồng thời, DN cần lưu ý cập nhập thông tin, kiểm soát về giá trị, lượng xuất khẩu sang từng thị trường, sử dụng thông tin để hưởng mức thuế thấp nhất và tránh rơi vào “bẫy” PVTM”, ông Lập khuyến cáo.
Tương tự, thời gian gần đây tình trạng “vướng” rào cản PVTM, phải kể đến câu chuyện của ngành thép. Cụ thể, tính từ năm 2004 đến cuối năm 2020 đã có 62 vụ việc liên quan đến các DN ngành thép, trong đó CBPG 34 vụ việc, chống trợ cấp 3 vụ việc, ngoài ra là CBPG, trợ cấp 6 vụ việc, lẩn trốn biện pháp PVTM 13 vụ việc...
Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, thực tế các biện pháp PVMT ngày càng quan trọng trong việc bảo vệ ngành sản xuất trong nước của các quốc gia. Theo đó, các DN nói chung và ngành thép nói riêng phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đối mặt với các vụ việc PVTM, trong xây dựng chiến lược kinh doanh của từng DN phải tính đến nguy cơ rủi ro, các yếu tố phát sinh từ vụ việc PVTM. Bởi khi có tính toán trong chiến lược kinh doanh thì DN mới chuẩn bị được nguồn lực để chủ động ứng phó với các vụ việc về PVTM. Nhất là, các DN cần lưu ý tránh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu “nóng” sang các thị trường mới khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực, việc này sẽ giảm thiệt hại khi quốc gia khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của DN về PVTM ngày càng quan trọng và quan trọng hơn, Chính phủ, cũng như cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp bảo vệ, giám sát thị trường để kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, tránh những phát sinh ngoài ý muốn, cũng như sự lợi dụng của DN nước ngoài “núp bóng” nhằm lẩn tránh, trốn thuế.
Đồng tình với quan điểm này, bà Phan Mai Quỳnh - Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, muốn giảm thiểu nguy cơ đối mặt các vụ điều tra PVTM, DN cần chủ động trang bị kiến thức về pháp luật, quy định PVTM trong các FTA mà Việt Nam và đối tác cùng tham gia để nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, DN cũng cần xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, thực hiện lưu trữ hồ sơ, chứng từ đầy đủ, rõ ràng, xây dựng bộ phận pháp chế.
Tuy nhiên, với tình hình hiện nay khi dịch bệnh tại nhiều nước trên thế giới chưa thể kiểm soát và còn có thể tiếp tục kéo dài, tăng trưởng thương mại và kinh tế toàn cầu sẽ còn gặp khó khăn, xu hướng bảo hộ và áp dụng biện pháp PVTM sẽ tiếp tục gia tăng. Vì vậy, các DN cần có sự chuẩn bị sẵn sàng cho các “kịch bản”, xây dựng chiến lược theo hướng đa dạng hoá, chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ có thể xảy ra trong xu thế hội nhập toàn cầu.
Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các biện pháp PVTM đang tác động tới khoảng 1.500 tỷ đô la Mỹ kim ngạch thương mại toàn cầu. Đối với Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2020, hàng hóa xuất khẩu đã bị điều tra gần 200 vụ việc PVTM với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD. |