Chuẩn bị nguồn nhân lực cho phát triển vi mạch bán dẫn
Đà Nẵng nỗ lực viết tên trên ‘bản đồ’ vi mạch bán dẫn thế giới |
Sự kiện khởi động chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn là một trong những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, Đề án phát triển vi mạch bán dẫn của TP. Đà Nẵng và Việt Nam nói chung.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng, nắm bắt nhu cầu nhân lực của ngành bán dẫn, các trường đại học trên địa bàn đang tích cực xây dựng, mở các mã ngành đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Một số trường khác cũng đang đẩy mạnh xúc tiến hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho ngành vi mạch bán dẫn.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (thứ 3 bên trái) cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai giảng khóa bồi dưỡng thiết kế vi mạch bán dẫn |
Ông Minh cho rằng, để triển khai tốt các nội dung về phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của Đà Nẵng, bên cạnh cơ sở vật chất, hệ thống chính sách hỗ trợ thì sự chuẩn bị sẵn sàng về đội ngũ giảng viên có chất lượng để đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn có vai trò vô cùng quan trọng. Do đó, buổi lễ khởi động chương trình đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn tại TP. Đà Nẵng có thể được xem là một dấu mốc cụ thể, bước đi quan trọng trong chiến lược đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch, bán dẫn thành phố.
Trong năm 2024, Đà Nẵng sẽ tập trung đào tạo lực lượng giảng viên nguồn (khóa đầu tiên) với sự phối hợp giảng dạy của VKU, Viện Công nghệ Thông tin (ĐHQG Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) và sự đồng hành hỗ trợ của Công ty Synopsys Việt Nam với bản quyền phần mềm chính hãng.
Khóa đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên gồm 25 học viên là giảng viên được tuyển chọn từ các trường Đại học trên địa bàn thành phố gồm VKU, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng, Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học FPT.
Chương trình đào tạo diễn ra trong 6 tháng. Trong đó, sẽ có 3 tháng (171 giờ) học lý thuyết và 3 tháng học theo dự án (project-based training) với 4 mô-đun về Thiết kế mạch có mật độ tích hợp cao (VLSI design); Thiết kế số và ngôn ngữ mô tả phần cứng (SystemVerilog/Verilog/VHDL); Thực thi mạch tích hợp số cơ bản; Thiết kế mạch tương tự cơ bản.
Đặc biệt, các giảng viên nguồn được tiếp cận toàn bộ thư viện, tài liệu giảng dạy của Synopsys. Khi hoàn thành chương trình, các giảng viên có thể xây dựng giáo trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn để truyền đạt lại cho sinh viên tại trường. Đây là kỳ vọng lớn nhất trong mục tiêu triển khai chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực của Đà Nẵng và Việt Nam nói chung trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành điện tử và vi mạch bán dẫn trong tương lai.
Các đại biểu thăm quan Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh, có chức năng đào tạo, nghiên cứu, kết nối và chuyển giao công nghệ. |
Song song chương trình đào tạo cho giảng viên, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn triển khai khóa bồi dưỡng ngắn hạn về Thiết kế vi mạch bán dẫn cho 20 sinh viên năm 3, năm 4 đang học các ngành gần như: Công nghệ kỹ thuật máy tính, hệ thống nhung và IoT, Công nghệ thông tin và nhân viên đã đi làm có nhu cầu chuyển đổi sang Thiết kế vi mạch bán dẫn từ tháng 3-9/2024.
Nhận dịp này, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn tổ chức khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh (VKU-SSTH). Trung tâm có chức năng đào tạo, nghiên cứu, kết nối và chuyển giao công nghệ, được trang bị 30 máy tính và phần mềm thiết kế vi mạch có bản quyền của Synopsys, cùng nhiều trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu vi mạch bán dẫn và công nghệ thông minh, với nguồn kinh phí đầu tư khoảng 10 tỷ đồng trong dự án ODA trị giá 7,7 triệu USD của Chính phủ Hàn Quốc giai đoạn 2022-2027 để nâng cao năng lực giáo dục-đào tạo, quản trị và nghiên cứu của VKU.