Chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản
Thông đường vận chuyển nông sản | |
Xây dựng mô hình kết nối cung - cầu chính quy | |
Để đưa nông sản lên sàn |
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng 5, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa, khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính đạt 393,6 nghìn tỷ đồng, giảm 3,1% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Trước những khó khăn này, ngành Công Thương và ngành Ngân hàng đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định
Bộ Công thương cho rằng, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ. Bộ Công thương đã thường xuyên liên hệ với các địa phương để tổng hợp và cập nhật tình hình bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu. Tại các địa phương có dịch bệnh, hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường; tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.086,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 1.670,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,1% tổng mức và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 48,2% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế đồng thời người dân vẫn lo lắng về dịch bệnh nên hạn chế đi du lịch. Doanh thu dịch vụ khác 5 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 214,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng mức và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Chung tay hỗ trợ các địa phương tiêu thụ nông sản |
Đặc biệt, trước khó khăn trong tiêu thụ nông sản trong vùng dịch, Bộ Công thương đã thiết lập bộ phận thường trực gồm đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) và đại diện Phòng Quản lý Thương mại của 63 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đồng thời kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn phối hợp với các địa phương (thông qua Sở Công Thương) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường.
Cụ thể, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra): từ ngày 25/5/2021 đến ngày 5/6/2021 đã thu mua khoảng 700 tấn vải thiều cho bà con nông dân; Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh - Saigon Coop đã làm việc với các hợp tác xã vải ở Bắc Giang nhập về hơn 95 tấn vải đưa vào kinh doanh toàn hệ thống cả nước; Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam cũng đã liên hệ với Bắc Giang, kế hoạch thu mua khoảng 300-500 tấn (vải, dứa, bí ngô, dưa hấu ) tiêu thụ trên cả nước. Ngoài ra, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Nông nghiệp VinEco -VinEco (vin commerce) cũng đã làm việc với các hợp tác xã lớn ở Lục Ngạn thu mua và xuất hàng đi tất cả các hệ thống Vinmart và Vinmart+ trên 64 tỉnh thành. Từ 25/5/2021 đến nay mỗi ngày tiêu thụ 7-10 tấn và cam kết tiêu thụ vải thiều đến hết mùa...
Đến nay, Bắc Giang đã tiêu thụ được khoảng 55.038 tấn vải, giá bình quân 12.000-32.000 đồng/kg (cá biệt giá thấp nhất 8.000 đồng/kg đối với vải chất lượng thấp; 58.000 đồng/kg đối với vải xuất khẩu đi Nhật Bản), trong đó: tiêu thụ tại thị trường trong nước 36.017 tấn; xuất khẩu đạt 19.021 tấn, trong đó thị trường Trung Quốc đạt 18.971 tấn; Nhật Bản đạt 45 tấn; Hoa Kỳ đạt 5 tấn. Đối với tỉnh Hải Dương đến nay đã thu hoạch và tiêu thụ từ 38.000-40.000 tấn vải thiều (khoảng 85% sản lượng vải sớm và bằng gần 60% sản lượng vải toàn tỉnh).
Chung tay tháo gỡ khó khăn
Bộ Công thương cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước. Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước. Cùng với đó là tăng cường các hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn với các địa phương (thông qua Sở Công Thương) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường. Chủ động phối hợp hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động kết nối trên môi trường số (trong điều kiện giãn cách xã hội).
Song song với đó là đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất Việt, hợp tác xã địa phương ứng dụng thương mại điện tử để phân phối và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản trong năm 2021 và các năm tiếp theo...
Để tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19, mới đây NHNN Việt Nam cũng có văn bản yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc/Giám đốc các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD chủ động xây dựng phương án, đảm bảo cho hoạt động ngân hàng được an toàn, liên tục và thông suốt trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới... theo thẩm quyền và theo quy định. Cùng với đó, thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Từng TCTD căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác; đồng thời công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.
Đồng thời, tích cực, chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, các khách hàng trên địa bàn để tìm hiểu nhu cầu, đáp ứng kịp thời vốn tiêu thụ nông sản, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; không để xảy ra chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng...
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)