Để đưa nông sản lên sàn
Nông sản, thực phẩm Việt Nam: Cơ hội thâm nhập thị trường Ba Lan | |
Ngân hàng tham gia cứu giá nông sản | |
Nông sản rớt giá giữa mùa dịch |
Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng đang còn rất nhiều rào cản, thách thức để đưa thêm nhiều mặt hàng nông sản tươi lên sàn TMĐT. Bởi loại sản phẩm này có đặc thù là dễ hỏng, vì vậy muốn sản phẩm tiêu thụ được thì phải đảm bảo khi được giao tới tay người tiêu dùng vẫn tươi ngon, đạt yêu cầu về chất lượng. Bên cạnh đó, hương vị phải thơm ngon, kích cỡ đồng đều, đi kèm giấy kiểm tra và chứng nhận nguồn gốc xuất xứ từ cơ quan chức năng, có như vậy mới giúp người tiêu dùng tin tưởng đặt mua.
Để đảm bảo chất lượng, nhà sản xuất gồm hợp tác xã (HTX), hộ nông dân, đơn vị tham gia chuỗi cung ứng cần hiểu và cam kết sản xuất đúng yêu cầu chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm. Hiện nhiều HTX, hộ sản xuất, bà con nông dân còn chưa có kinh nghiệm kinh doanh qua môi trường điện tử. Trong khi đó, muốn bán hàng qua sàn TMĐT thì yêu cầu đầu tiên là hộ sản xuất, HTX phải đảm bảo về chất lượng, mẫu mã, nâng cao trình độ sử dụng công nghệ.
Ảnh minh họa |
Có cùng quan điểm trên, bà Vũ Thị Minh Tú - Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam cho biết, rào cản đầu tiên đến từ việc những người trực tiếp sản xuất ra các mặt hàng nông nghiệp là những hạn chế trong việc tiếp cận thông tin. Nông dân giỏi canh tác, sản xuất, nhưng để có thể đóng gói bao bì sao cho đẹp, chụp hình sao cho hấp dẫn, đúng chuẩn, vẫn là thách thức. Tiếp theo là việc đảm bảo chất lượng, nguồn hàng ổn định để duy trì khách hàng lâu dài. Việc này phụ thuộc vào quy mô sản xuất, đảm bảo các chuỗi cung ứng ổn định.
Để nông sản Việt Nam đều có thể được đưa lên các sàn TMĐT, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, với các sản phẩm được đưa lên gian hàng, để đảm bảo việc quản lý chất lượng và thông tin sản phẩm được minh bạch, Cục đang từng bước hướng dẫn doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo sản phẩm cung cấp đúng và đủ thông tin đến tay người tiêu dùng. Mã QR được gắn ở cổng vào của mỗi vườn, các hộ canh tác sẽ thực hiện việc nhập liệu như định kỳ chăm sóc, cắt tỉa, bón phân, phun trừ sâu… như thế nào để phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo ông Hoàng Minh Chiến, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục giao các đơn vị trực thuộc tổ chức nhiều chương trình tập huấn cho bà con nông dân, HTX về kỹ năng về ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh. Bộ Công thương sẽ trực tiếp trao đổi, phối hợp với các đối tác, các sàn TMĐT để triển khai tập huấn, hỗ trợ sâu hơn cho bà con nông dân, phối hợp với các địa phương lên danh mục những đặc sản của từng địa phương. Sau đó, mở gian hàng cấp quốc gia để triển khai xúc tiến thương mại rồi đào tạo, bàn giao lại công nghệ để người dân có thể chủ động đưa sản phẩm của mình lên các sàn TMĐT. Trước mắt, sau vải thiều Thanh Hà, cơ quan quản lý nhà nước sẽ phối hợp với các sàn TMĐT để tiếp thị xoài Yên Châu, mận Sơn La, nhãn Hưng Yên...
Hiện sàn TMĐT Shopee đã thống nhất phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại từng bước đào tạo và tư vấn cho các hộ kinh doanh, các HTX và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các địa phương có sản phẩm tiềm năng về các kỹ năng để mở gian hàng, quản lý, vận hành và triển khai các hoạt động xây dựng hình ảnh và quảng bá sản phẩm trên sàn TMĐT này.
Đồng thời, Cục Xúc tiến thương mại cũng phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vnpost) triển khai Chương trình hỗ trợ bà con nông dân, chủ trang trại trên cả nước bán nông sản hàng hoá, nông sản thực phẩm an toàn theo hình thức trực tuyến (livestream). Hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm tạo điều kiện để bà con nông dân trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, hiểu và nắm bắt rõ hơn về xu hướng và yêu cầu thị trường, từ đó sẽ tổ chức sản xuất được hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.