Chuỗi cung ứng xanh - cơ hội của doanh nghiệp logistics Việt
Sáng - tối bức tranh logistics Việt Cơ hội hấp dẫn với ngành dịch vụ logistics Việt Nam |
Việt Nam cũng nằm trong top 10 thị trường logistics mới nổi, xếp hạng 4 về chỉ tiêu cơ hội logistics quốc tế, được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Doanh nghiệp dịch vụ logistics ngày càng tăng lên cả về số lượng và chất lượng.
Trên thực tế, Việt Nam đang trở thành một trung tâm sản xuất, thương mại quan trọng trên thế giới. Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử và sự tăng trưởng nhanh chóng của các chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành logistics phát triển đa dạng với nhiều loại hình như vận tải, giao nhận, kho thông minh và chuỗi cung ứng lạnh, máy móc - thiết bị xử lý vật liệu, ứng dụng công nghệ logistics, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và cảng biển…
Thời gian qua, nhiều giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực logistics đường hàng không, đường biển và đường bộ xuất hiện để phát triển bền vững, trong đó yếu tố “xanh” là xu hướng bắt buộc và ngày càng được quan tâm đầu tư một cách chuyên nghiệp. Hàng loạt các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã triển khai các kế hoạch hành động nhằm thiết lập chuỗi cung ứng xanh, giảm dấu chân carbon trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Nằm trong xu thế này, đại diện cảng quốc tế Long An cho biết, đơn vị đã phát triển logistics xanh thông qua sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm tài nguyên, tối ưu quy trình, giảm thiểu rác thải, khí thải... Các công trình trên cảng lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, sử dụng đèn led tiết kiệm năng lượng, áp dụng công nghệ tiên tiến (CATOS, MOST); đội xe đầu kéo đáp ứng tiêu chuẩn Euro 5 về giảm khí thải; thiết bị cẩu sử dụng điện 100%...
Cũng như vậy, Cảng Tân Cảng Sài Gòn (SNP) là khu phức hợp cảng lớn nhất và hiện đại nhất của cả nước cũng đã đầu tư thay mới đèn led cho 6 cẩu STS, 5 cẩu RTG và 40 bộ đèn led trên bãi container, giảm hao phí năng lượng cho hệ thống chiếu sáng; thực hành tiết kiệm điện nước sinh hoạt nội bộ và phục vụ sản xuất kinh doanh theo định mức sử dụng; vận động hạn chế sử dụng túi nhựa, vật liệu nguy hại tại các khu vực cảng. Đồng thời, từng bước nghiên cứu, thực hiện các dự án về sử dụng vật liệu thân thiện môi trường như gạch không nung, kính chắn tia UV, áp dụng công nghệ dây chuyền sản xuất nước đóng hộp giấy thay cho công nghệ cũ là chai nhựa..
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã chú ý hơn đến vận tải xanh trong logistics, thông qua 2 cách thức phổ biến: thay thế các loại phương tiện sử dụng động cơ đốt trong sang các loại phương tiện sử dụng năng lượng điện hoặc hybrid và sử dụng nhiên liệu sinh học và các loại nhiên liệu bền vững. Vận tải xanh còn bao gồm các hoạt động tối ưu hóa khả năng chuyên chở, lộ trình vận chuyển nhờ áp dụng công nghệ, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là trong giao hàng chặng cuối. Vận tải xanh đã được Công ty Sapporo Vietnam Ltd áp dụng trong vận chuyển sản phẩm đồ uống từ nhà máy ở Long An đến người tiêu dùng phía Bắc, từ đường bộ sang đường thủy từ năm 2020. Ước tính lượng phát thải khí nhà kính hằng năm giảm 450 tấn CO₂.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, ngành logistics vẫn tiếp tục phát triển trên toàn cầu dựa trên nền tảng của thương mại điện tử. Về lâu dài, sự đầu tư vào công nghệ và con người là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của ngành này. Trong đó, sự phát triển của công nghệ thông tin, nhất là công nghệ xử lý, khai phá dữ liệu đang mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho logistics. Theo đó, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hướng đến phát triển chuỗi cung ứng xanh và các giải pháp logistics thân thiện môi trường không chỉ là cơ hội mà còn là công cụ hữu hiệu giúp đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhìn nhận, logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Doanh nghiệp ngành logistics cần không ngừng đổi mới và phát triển, tìm kiếm các mối quan hệ kinh doanh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường hiện đại. “Ngành logistics phát triển xanh sẽ giúp kinh tế Việt Nam khắc phục khó khăn trước những biến động địa - chính trị trên toàn cầu, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục tăng trưởng”, bà Thắng nói.