Chuyển đổi số là hướng đi tất yếu
Ngành Ngân hàng vẫn sẽ tiên phong trong chuyển đổi số | |
Cổ phiếu công nghệ hấp dẫn nhờ chuyển đổi số | |
Ngân hàng chuyển đổi số, khách hàng hưởng lợi |
Hiện tại, lực lượng DNNVV đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi các DNNVV cũng phải chuyển mình theo xu thế hội nhập, trong đó chuyển đổi số là con đường tất yếu. Mặc dù còn nhiều hạn chế về năng lực, vốn, công nghệ nhưng các DN vẫn đang nỗ lực ứng dụng công nghệ và thực hiện chuyển đổi số. Đồng thời, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, Hiệp hội có những giải pháp hỗ trợ nhằm giúp lực lượng DNNVV nhanh chóng tham gia vào cuộc chơi này.
Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, Việt Nam đặt mục tiêu 50 nghìn DNNVV tiếp cận chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là tất yếu với các DNNVV |
Năm 2020 chứng kiến sự khó khăn rất lớn của cộng đồng DN khi mà dịch Covid đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng tới các quốc gia trên thế giới, khiến kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng. Phần lớn các DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, sức chống chịu còn nhiều hạn chế. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong năm 2020, có 101.719 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 13,9% so với năm 2019, bao gồm: 46.592 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 37.663 DN tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, 17.464 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Mặc dù thời gian qua, hàng loạt biện pháp quyết liệt để hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư... đã được triển khai nhưng khả năng phục hồi và tăng trưởng vẫn diễn ra chậm.
Đại diện Bộ Thông tin và truyền thông cho biết, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, trên 90% DNNVV chịu ảnh hưởng tiêu cực. Rất nhiều DN không có đầu ra, thị trường truyền thống bị thu hẹp lại do giãn cách, sự phụ thuộc vào các trung gian, vẫn phải chịu chi phí duy trì hoạt động dẫn đến doanh thu đã sụt giảm trên 50%. Số lượng DN nhỏ tạm ngừng hoạt động vào khoảng 24%, số lượng DN thành lập mới sụt giảm 15%. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số là giải pháp hiệu quả nhất giúp các DN nhanh chóng vượt qua khủng hoảng, rút ngắn khoảng cách để DN bắt kịp với xu thế của cuộc CMCN 4.0. Tuy nhiên vẫn có khoảng 47% DN khi được khảo sát đã xác định chuyển đổi lên môi trường số là nhu cầu cấp thiết nhưng còn lạ lẫm và chưa biết bắt đầu từ đâu.
TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, yếu tố cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt hơn, các DNNVV cần phải nhanh chóng tiếp cận với nền tảng công nghệ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, với nhiều hạn chế về năng lực nên rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ nhằm hỗ trợ DN chuyển đổi số, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Đồng quan điểm, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hanoisme cho rằng, chuyển đổi số được xem là chìa khóa cốt lõi để vận hành DN không chỉ ứng phó linh hoạt với biến động ngoại cảnh nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực mà còn là lời giải cho bài toán phát triển bền vững của mọi DN trong kỷ nguyên số. Bởi vậy trong thời gian tới, chuyển đổi số là con đường duy nhất để DN có thể phát triển và cạnh tranh bền vững với chi phí tiết kiệm nhất. Đồng thời, phải nắm bắt các cơ hội do chuyển đổi số mang lại, nhưng nhiều DNNVV đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi số, các DN cũng đang rất cần được hỗ trợ.
Trên thực tế, chuyển đổi số là xu thế, là tất yếu trong thời đại ngày nay, đó là cơ hội cho các nước, các DN vượt lên trong cuộc CMCN 4.0. Mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các DN công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển DN công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về công nghệ thông tin sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp 4.0, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các DN để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và cả nền kinh tế.
Năm 2021 là năm đầu tiên của một giai đoạn mới và con đường phát triển chính đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, CMCN lần thứ 4, chuyển đổi số. Chính vì vậy, phát triển DN công nghệ số Việt Nam, năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội DNNVV Việt Nam triển khai sáng kiến hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số bằng các nền tảng số được sản xuất bởi người Việt Nam (chiến lược Make in Vietnam). Bộ đặt mục tiêu trong năm 2021 sẽ có 50 nghìn DNNVV tiếp cận với chương trình. Trong đó, tối thiểu 30 nghìn DN sẽ được trải nghiệm miễn phí các nền tảng. Với sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng DN, trong những năm tới sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, góp phần thực hiện mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra trong “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.