![]() |
Hợp đồng điện tử giúp doanh nghiệp tiết giảm mạnh chi phí |
![]() |
Chuyển đổi số trong sản xuất: Cần thể chế mở đường |
![]() |
Tạo đột phá trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng |
Tăng tốc chuyển đổi số
Năm 2023 được dự đoán là một năm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bởi áp lực lạm phát, những khó khăn trong chuỗi cung ứng và sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng. Theo các chuyên gia, để hóa giải những thử thách đó, doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động, tiết giảm chi phí tối ưu hóa nguồn lực. Trong đó, chuyển đổi số thành công sẽ giúp doanh nghiệp có thêm lợi thế trong cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt.
Xác định đây là giải pháp quan trọng để tạo lợi thế cạnh tranh, Tổng công ty May 10 (Hà Nội) luôn chú trọng lựa chọn và áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến vào hoạt động kinh doanh. Trong đó, điểm nhấn là triển khai các giải pháp quản trị nguồn nhân lực, các giải pháp “số hóa” đã đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
![]() |
Chuyển đổi số và tiếp cận các nguồn vốn là những điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp ứng phó với các thách thức mới |
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho biết, trong những năm qua, doanh nghiệp đã sớm quan tâm đến ứng dụng tự động hóa vào tất cả các khâu trong quá trình sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm áp lực về nhân công.
Những điều này đã mang lại kết quả tích cực như giảm đáng kể lao động trong các khâu, giúp thu thập dữ liệu phân tích quá trình sản xuất và hỗ trợ công tác quản lý. Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại cũng đã giúp người lao động có thêm kiến thức, kinh nghiệm - hành trang cần thiết cho những bước tiếp theo của công cuộc chuyển đổi số sẽ còn kéo dài.
Bằng những bước đi quyết đoán trong chuyển đổi số, May 10 đã vượt qua giai đoạn khó khăn của thị trường, vươn lên trở thành doanh nghiệp mạnh, tiêu biểu của Thủ đô cũng như của ngành dệt may. Trong hai quý III và IV/2022, doanh thu của tổng công ty đều tăng trên 40%. Doanh thu năm 2022 đạt khoảng 3.800 tỷ đồng, cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid hơn 10%.
Với trường hợp của Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng Giám đốc công ty chia sẻ, chuyển đổi số tại đơn vị là quá trình thay đổi mang tính chiến lược, là hành trình với sự chuẩn bị từ sớm qua các lần chuyển đổi tầng công nghệ, đầu tư khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Năm 2022 là một giai đoạn mới, sau những bước vừa làm vừa học, ứng dụng, thử nghiệm một số công cụ số, Rạng Đông đã thực hiện các bước số hóa riêng lẻ, đồng bộ hoá từng phần. Đến nay, chuyển đổi số tại Rạng Đông bước đầu thành công.
Hiện Rạng Đông là doanh nghiệp tiên phong cung cấp hệ thống giải pháp đồng bộ dựa trên công nghệ lõi là chiếu sáng và IoT, góp phần kiến tạo ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp chính xác. Đến năm 2025, công ty phấn đấu trở thành doanh nghiệp công nghệ cao dẫn đầu thị trường chiếu sáng tại Việt Nam; tiên phong trong lĩnh vực cung cấp hệ sinh thái 4.0; năm 2030 sẽ trở thành doanh nghiệp “tỷ đô”, đưa thương hiệu Rạng Đông lên tầm khu vực. Công ty đã lựa chọn con đường phát triển bằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng môi trường làm việc sáng tạo, văn hóa, chuyên nghiệp hơn và hạnh phúc hơn với mức thu nhập bình quân đến năm 2025 đạt 2.000 USD/người/tháng.
Thách thức còn nhiều
Bà Nguyễn Thúy Anh, Trưởng phòng Kinh tế số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) nhận định, nhìn chung, mức độ chuyển đổi số tại các doanh nghiệp hiện còn rất thấp, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất. Những hạn chế, khó khăn gặp phải trong quá trình chuyển đổi số bao gồm các hạn chế về nhận thức, nhân lực triển khai; về thông tin trên thị trường; về tiếp cận các nguồn tài chính nhằm triển khai chuyển đổi số; xây dựng hệ sinh thái tổng thể nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, bao gồm chính sách, nhân lực, logistics, phương thức thanh toán cũng như hạ tầng kết nối. Do đó, trong thời gian tới cần có giải pháp kết nối các đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số uy tín để đồng hành, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số này của doanh nghiệp.
Trên thực tế, khảo sát của VCCI cho thấy, có tới hơn 60% doanh nghiệp phản ánh vẫn đang gặp phải rào cản trong đầu tư, ứng dụng công nghệ; 52,3% doanh nghiệp phản ánh khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen của doanh nghiệp, người lao động.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME), các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đứng trước những khó khăn rất lớn trong quá trình hồi phục sau đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số và tiếp cận các nguồn vốn là những điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp ứng phó với các thách thức mới, phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh và nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa dù số lượng nhiều nhưng năng lực hạn chế, quy mô vốn nhỏ nên rất khó khăn trong việc tiến hành chuyển đổi số. Chính vì vậy, rất cần sự trợ lực lớn từ các chính sách của Chính phủ, những ưu đãi và tạo thuận lợi về tiếp cận vốn...
Theo các chuyên gia kinh tế, để doanh nghiệp Việt chuyển đổi số thành công, mỗi doanh nghiệp cần lựa chọn chiến lược, cũng như lộ trình chuyển đổi số phù hợp, nhằm đạt hiệu quả với chi phí hợp lý. Đồng thời sự trợ giúp của Chính phủ, các bộ ngành, hiệp hội là cơ sở để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công.
Trong bối cảnh đó, thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm và chú trọng việc thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học và đổi mới, sáng tạo. Nghị quyết số 52-NQ/TW cũng đã được Chính phủ ban hành ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã và đang xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động của mình với nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Minh Hiếu
Nguồn: