Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài: Doanh nghiệp còn lúng túng
Doanh nghiệp Nhà nước mới ở ngưỡng ban đầu của hành trình số hóa | |
Chuyển đổi số để thực hiện chiến lược tài chính toàn diện | |
Chung tay đào tạo nhân lực thời 4.0 |
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, các DN Việt Nam không ngừng thay đổi, đầu tư đổi mới công nghệ, nhất là những công nghệ tiên tiến trên thế giới để nâng cao năng lực cạnh tranh. Các chuyên gia cho rằng, việc các DN mạnh dạn đầu tư mua công nghệ tiên tiến của nước ngoài sẽ thúc đẩy tăng trưởng sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế không chỉ mua công nghệ mà DN phải cần phải nhập cả quy trình vận hành, bí quyết công nghệ... trong khi DN Việt vẫn còn nhiều hạn chế như quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính hạn hẹp và các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách... khiến nhiều DN còn lúng túng.
Ảnh minh họa |
Sự phát triển mạnh mẽ từ cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi các DN phải tự đổi mới, kịp thời nắm bắt công nghệ đổi mới sáng tạo để theo kịp thị trường. Trong đó DN nào thích ứng nhanh và tận dụng lợi thế tốt từ nền tảng công nghệ hiện đại sẽ dễ dàng thành công hơn. Tuy nhiên hiện nay, các DN Việt chủ yếu là DNNVV với nền tảng quy mô nhỏ nên đây đang là thách thức lớn.
Tính đến thời điểm hiện nay cả nước có gần 800 nghìn DN đang hoạt động thì lực lượng DNNVV chiếm khoảng 98,1% tổng số DN trên cả nước. Thực trạng chung của các DN này là sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất lao động quá thấp so với các nước trong khu vực. Thường xuyên gặp khó về tài chính, nhân lực yếu kém chưa tiếp nhận thông tin và công nghệ mới trong sản xuất, cũng như các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Bởi vậy quá trình đổi mới công nghệ nhất là công nghệ có giá trị lớn còn chậm.
Theo Bộ KH&CN, dưới tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, các quốc gia có trình độ khoa học và công nghệ chưa phát triển như Việt Nam cần đặc biệt coi trọng việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước trên thế giới và đó chính là bí quyết nhanh nhất để thành công. Đổi mới công nghệ là rất quan trọng đối với mỗi DN, những công nghệ mới sẽ cho phép nâng cao chất lượng sản phẩm tạo ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng hoá sản phẩm, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, sử dụng hợp lý tiết kiệm nguyên vật liệu… giúp DN nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Chỉ có thực hiện việc chuyển giao công nghệ mới nhanh chóng rút ngắn khoảng cách về trình độ, năng lực công nghệ của Việt Nam so với các nước. Bên cạnh đó, các DN cũng cần nhận thức được lợi ích từ việc đổi mới, cải tiến công nghệ nhằm nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó chú trọng hơn đến việc đầu tư và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.
Thực tiễn cho thấy, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam thời gian qua vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu thông qua các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hợp đồng nhập khẩu dây chuyền thiết bị công nghệ giữa các DN trong nước và nhà cung cấp nước ngoài. Tuy nhiên, các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. Đây đang là khó khăn đối với các DN Việt Nam.
TS.Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam cho biết, các DN chậm phát triển và đổi mới ứng dụng công nghệ tự động hóa là một nguyên nhân làm cho năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không cao. Để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh lớn thì việc đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ là điều kiện không thể thiếu. Hiện phần lớn đều là DNNVV đều thiếu vốn và nguồn lực để đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại và đồng nghĩa với thách thức lớn trong phát triển nền kinh tế.
Trong những năm qua, hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN luôn được nhà nước và các ngành rất quan tâm. Đến nay đã có rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã chủ động thực hiện việc chuyển giao công nghệ như các DN trong ngành công nghệ viễn thông, ngân hàng, vận tải… Mới đây, TP. Hà Nội cũng đã chính thức ban hành Kế hoạch số 222/KH-UBND, ngày 7/10/2019 để triển khai đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ. Theo đó, mục tiêu là triển khai đồng bộ, hiệu quả chính sách hỗ trợ chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào thành phố Hà Nội, đặc biệt là các công nghệ nguồn, công nghệ cao, công nghệ nền tảng trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên của thành phố.
Theo UBND TP.Hà Nội, đến năm 2025 thành phố sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp với tình hình địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào thành phố Hà Nội trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên của thành phố. Tập trung phát triển một số ngành ưu tiên: Công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử; Cơ khí chế tạo; Nông nghiệp công nghệ cao; Bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản; Công nghệ xây dựng, giao thông, hạ tầng; Dược phẩm, chẩn đoán và điều trị bệnh; Công nghệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Công nghiệp hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố Hà Nội. Nâng cao năng lực công nghệ của các tổ chức, DN phục vụ hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào thành phố Hà Nội.
Theo các chuyên gia, việc hoàn thiện các cơ chế chính sách mà đề án đưa ra rất kịp thời giúp khắc phục được một số khó khăn, tồn tại trong hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Đồng thời giúp các DN thuận lợi hơn trong việc nhập khẩu công nghệ để đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.