Cơ hội để doanh nghiệp quảng bá hình ảnh
Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước | |
Tăng “chất” để kết nối giao thương hiệu quả | |
Vị thế sản phẩm Việt Nam đang dần được khẳng định |
Mới đây, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 11/2019/TT-BCT về việc hướng dẫn thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại. Theo đó, quy định tiêu chí, nội dung cụ thể và kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương, áp dụng đối với các đơn vị chủ trì thực hiện, đơn vị tham gia đề án, cơ quan quản lý, cơ quan cấp kinh phí hỗ trợ, tổ chức và cá nhân liên quan đến Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại.
Xúc tiến thương mại là một phần rất quan trọng trong hoạt động của các doanh nghiệp |
Ông Nguyễn Hữu Nam, Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh phân tích, tiêu chí xây dựng đề án xúc tiến thương mại theo quy định của Thông tư 11 là hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành hàng, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của quốc gia, vùng kinh tế hoặc từ 2 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trở lên; hoặc sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Đối với các hiệp hội ngành nghề, vùng kinh tế trọng điểm, sản xuất tập trung hàng hóa xuất khẩu, như vùng nuôi thủy sản chuyên canh khu vực ĐBSCL, vùng trồng cây ăn trái miền Đông, miền Tây Nam bộ, vùng chuyên canh chè, cà phê Tây Nguyên… thì sẽ rất thuận lợi trong quá trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, tham gia hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa trong và ngoài nước.
Cùng với đó, những lợi ích lớn trong hoạt động xúc tiến thương mại đối với xuất khẩu mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Thông tư 11 có thể thấy được như, Nhà nước hỗ trợ đến 100% kinh phí cho rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như: Thứ nhất, hỗ trợ tối đa 100% kinh phí thực hiện tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông, các hình thức quảng bá của hội chợ, triển lãm; Tổ chức và dàn dựng khu triển lãm quốc gia (nếu có); Hỗ trợ kinh phí cho lễ khai mạc đối với hội chợ, triển lãm đa ngành có quy mô tối thiểu 12 gian hàng và 12 doanh nghiệp tham gia, hoặc hội chợ, triển lãm chuyên ngành có quy mô tối thiểu 6 gian hàng và 6 doanh nghiệp tham gia ở nước ngoài.
Thứ hai, hỗ trợ tối đa 100% kinh phí tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông; Tổ chức, dàn dựng gian hàng đối với hội chợ, triển lãm quốc tế tại Việt Nam đối với sản phẩm xuất khẩu có quy mô tối thiểu 300 gian hàng quy theo gian hàng tiêu chuẩn (3m x 3m) và 150 đơn vị tham gia của Việt Nam khi tổ chức ở thành phố trực thuộc Trung ương, 200 gian hàng tiêu chuẩn và 100 đơn vị tham gia của Việt Nam khi tổ chức ở các địa phương khác…
Không chỉ đối với tổ chức, hội đoàn doanh nghiệp trong nước, tại các Điều từ 7-13 của Thông tư 11 còn quy định hỗ trợ tối đa 100% kinh phí cho việc tổ chức các hội chợ, triển lãm quốc tế chuyên ngành và nhiều sự kiện xúc tiến thương mại tại Việt Nam.
Cụ thể như, triển lãm sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam, có quy mô tối thiểu 60 gian hàng, trong đó tối thiểu 15 gian hàng của doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu. Tổ chức hội chợ, triển lãm tại Việt Nam đối với các sản phẩm, nguyên liệu, thiết bị nhập khẩu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, sản phẩm công nghệ, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh mà trong nước sản xuất.
Tiêu chí xây dựng đề án xúc tiến thương mại theo quy định của Thông tư 11 là hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành hàng, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của quốc gia, vùng kinh tế hoặc từ 2 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trở lên; hoặc sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. |
Hay tổ chức trưng bày, giới thiệu và xuất khẩu hàng hóa qua gian hàng chung trên sàn giao dịch thương mại điện tử; Tổ chức đoàn giao dịch thương mại ở nước ngoài; Tổ chức đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam giao dịch để mua hàng; Tổ chức Hội nghị quốc tế tại Việt Nam về ngành hàng xuất khẩu; Kết nối giao thương tại Việt Nam giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại (quy mô tối thiểu là 21 nhà cung cấp và 7 doanh nghiệp xuất khẩu); Kết nối giao thương tại Việt Nam giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại…
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Công ty Du lịch lữ hành Sài Gòn (Saigontourist Travel) cho biết, Thông tư 11 bao quát hầu hết các hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Điều này thể hiện tại các Điều 14 đến Điều 22 của Thông tư, là hỗ trợ đến tối đa 100% kinh phí phát triển, vận hành hạ tầng thương mại, logistics phục vụ hoạt động ngoại thương; Tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài về logistics; Mời đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam trao đổi về cơ hội đầu tư, hợp tác về phát triển dịch vụ logistics, trung tâm logistic phục vụ hoạt động ngoại thương; Tổ chức diễn đàn logistics Việt Nam, tổ chức hội chợ, triển lãm quốc tế về logistics tại Việt Nam; Hỗ trợ đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm xuất khẩu cho các doanh nghiệp… Thậm chí đến việc tổ chức hoạt động tư vấn, thuê chuyên gia tư vấn, hỗ trợ thực hiện thiết kế, phát triển sản phẩm… cũng được quy định rõ ràng.
Theo ông Nguyễn Hữu Nam, Thông tư 11 có hiệu lực thi hành từ ngày 16/9/2019, mang đến cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu Việt nhiều cơ hội quảng bá về doanh nghiệp của mình hơn. Bởi trước đây, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chịu thiệt, vì không có cơ hội tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại tầm quốc gia.