Tăng “chất” để kết nối giao thương hiệu quả
Vị thế sản phẩm Việt Nam đang dần được khẳng định | |
Hiểu thị trường để chọn hướng đi hiệu quả | |
Hỗ trợ 100% với các nội dung xúc tiến thương mại tại miền núi, hải đảo |
Theo báo cáo của Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công thương, năm 2018, các trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) các tỉnh, thành phía Nam đã thực hiện gần 730 hoạt động XTTM, chiếm hơn 50% hoạt động XTTM của cả nước, hỗ trợ gần 17.000 lượt doanh nghiệp địa phương tham gia. Các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường củng cố các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Nga, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, Lào, Campuchia, Myanmar… mở rộng hoạt động sang các thị trường mới tiềm năng như Trung Đông, châu Phi, khối Ả rập... tổ chức và tham gia khảo sát thị trường tại các nước đã ký kết hiệp định thương mại với Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) nhấn mạnh, hợp tác với các địa phương, tận dụng nguồn lực trong nước là một trong những hướng chính của TP.HCM về hoạt động mời gọi đầu tư. Hàng năm, ITPC phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư hai chiều tại các địa phương, nắm bắt nhu cầu, lĩnh vực mời gọi đầu tư và giới thiệu nhà đầu tư quan tâm cho các địa phương, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư trong nước đầu tư vào TP.HCM.
Bên cạnh mời gọi các nguồn lực trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) là nguồn lực không thể thiếu và đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, trung tâm tài chính hàng đầu của cả nước. Đối với các hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT) ngoài nước, ITPC xác định thị trường trọng điểm để mời gọi đầu tư là các quốc gia có nền kinh tế phát triển, trình độ công nghệ cao và xây dựng các chương trình XTĐT hàng năm thông qua hội nghị, hội thảo, kết nối giữa doanh nghiệp TP.HCM và doanh nghiệp nước ngoài.
Để thực hiện các chương trình XTĐT có hiệu quả, ITPC gắn kết chặt chẽ với các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam (đại sứ quán, lãnh sự quán, hiệp hội doanh nghiệp các nước), xem đây là kênh quan trọng giúp ITPC chủ động trong việc tiếp xúc và mời gọi các nhà đầu tư, là cầu nối cho việc tìm hiểu thông tin nhà đầu tư, xác định độ tin cậy và thương hiệu của nhà đầu tư tại các nước.
Bàn về vấn đề này, ông Quách Văn Ấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau chia sẻ, Cà Mau có điều kiện thuận lợi phát triển đa dạng các ngành nông, lâm, thủy sản, năng lượng tái tạo, điện gió, công nghiệp chế biến thực phẩm và cả về du lịch, nhưng chưa phải là những điều kiện tiên quyết để có thể thu hút và giữ chân các nhà đầu tư. Tỉnh Cà Mau đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp để giúp cho nhà đầu tư tìm hiểu thủ tục liên quan đến quá trình đầu tư, phát triển tại Cà Mau. Trung tâm sẽ xây dựng và cung cấp các cơ sở dữ liệu về kinh tế - xã hội, quảng bá về đầu tư, thương mại và du lịch; khai thác sàn giao dịch thương mại điện tử, cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư, thương mại và du lịch.
Thực tế, hoạt động hợp tác XTTM đầu tư giữa các tỉnh thành phía Nam đã đa dạng hơn các phương thức, phối hợp tổ chức và tham gia nhiều sự kiện quan trọng của vùng và khu vực, gắn kết chặt chẽ hơn trong chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến. Tuy nhiên, hoạt động XTTM còn dàn trải, chưa có sự liên kết chặt chẽ trong việc tổ chức các cuộc khảo sát thị trường nước ngoài, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Việc chia sẻ thông tin thị trường nói chung và thông tin liên quan đến lĩnh vực XTTM giữa các địa phương chưa mạnh mẽ, chưa kịp thời dẫn đến việc phối hợp hoạt động giữa các trung tâm XTTM các tỉnh, thành trong thời gian qua chưa mang lại kết quả như mong muốn.
Để việc hợp tác XTTM đầu tư giữa các tỉnh, thành phố phía Nam hiệu quả hơn, các địa phương khi kêu gọi đầu tư cần có những địa chỉ cụ thể hơn, các địa phương tiếp tục nghiên cứu đề xuất chính sách khuyến khích, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nền tảng cho hoạt động xúc tiến.